Gọi được 15 tỉ USD tiền mặt, Uber đang tung hoành trên mọi nơi, đẩy giới taxi truyền thống lâm vào cảnh túng quẫn. Nhưng ở chiều ngược lại, cả thế giới taxi và các đối thủ về công nghệ vẫn đang chống lại Uber.
Thủ đô London của Anh là một trong những cái tên mới nhất mang lệnh cấm đến cho Uber, đúng hơn là không gia hạn giấy phép cho dịch vụ gọi xe bằng ứng dụng này sau ngày 30-9.
Chạy taxi ở London không những phải ôn luyện tay lái cứng cựa mà còn phải học thuộc 25.000 tên đường, 100.000 điểm đón ở thành phố này trong một kỳ thi khó nhất thế giới được gọi là The Knowledge.
Vậy mà, lái xe Uber chẳng cần bất cứ điều kiện gì, chỉ cần lên xe, bật app và chạy, giá lại rẻ hơn các Cabbies.
Vậy là giới tài xế thành phố này nổi giận, kiếm cớ đủ thứ, hết băngrôn khẩu hiệu đến cả gây sự. Lệnh cấm Uber có thể coi như một thắng lợi cho taxi.
Nhưng lúc này ăn mừng thì có vẻ hơi vội vì nếu Uber có bị cấm cửa ở đây thật thì sân chơi đã kịp xuất hiện đối thủ của Uber là Lyft có trụ sở tận bên San Francisco (Mỹ).
Lyft chính là một đối thủ đang lên của Uber tại New York khi có đội quân hơn 1.500 xe ở thành phố này.
Dĩ nhiên, con số này còn thua xa 13.587 chiếc taxi truyền thống và không thể bì được so với 50.000 chiếc chạy Uber, nhưng London là nơi Lyft chọn phát triển ra ngoài nước Mỹ đầu tiên khi Uber sa cơ.
Ở New York, cánh tài xế taxi vàng truyền thống đã thực sự thất thủ trước Uber, rõ nhất là qua phù hiệu taxi mà ai cách đây chừng vài năm sở hữu chỉ cần một cái cũng phải là triệu phú.
Chính quyền thành phố New York chỉ giới hạn số lượng taxi ở 13.587 và với dân số tăng lên, khách du lịch đổ về, giới taxi sống khỏe. Giá một phù hiệu taxi ở đây cao nhất ghi nhận được là 1,3 triệu USD. Có những người mua như để đầu tư kỳ vọng sẽ lên tới 2 triệu USD trong mấy năm tới.
Thế mà, Uber xuất hiện và chẳng những lấy đi lượng khách đáng kể mà còn làm cho giá phù hiệu lao dốc. Ở thời điểm ngày 9-10, giá thấp nhất ở mức ghi nhận được đang là 200.000 USD cho một phù hiệu taxi New York.
Nhắc lại chuyện ở London, khi Uber bị tước bỏ giấy phép thì khoảng 40.000 xe đã chạy ứng dụng này và cùng với 3,5 triệu khách sử dụng dịch vụ Uber sẽ đi về đâu?
Họ sẽ khó quay lại taxi truyền thống, dù đó là nét văn hóa, mà Lyft có lẽ sẽ là một sự thế chân phù hợp?
Có thể nhận thấy ở khắp nơi, cả Mỹ lẫn châu Âu, Uber vừa làm mưa làm gió mà cũng chịu cảnh bị làm mưa làm gió. Trước hết, chính quyền một số thành phố đã thẳng tay mời Uber đi nơi khác hoạt động từ Mỹ, Anh đến Hà Lan…
Sau nữa, các ứng dụng địa phương cũng tìm cách vươn lên, cạnh tranh sòng phẳng với Uber và cả taxi truyền thống.
Phương Đông huyền bí chống trả
Đấu trường châu Á và Đông Nam Á cũng như một lò lửa được đốt lên để thiêu các thanh củi taxi truyền thống, nhưng sự va chạm về văn minh ở phương Đông huyền bí có khác biệt.
Trong khi ở Việt Nam người ta còn tranh cãi nhau về hành vi dán băngrôn của Vinasun nêu đích danh Uber-Grab, thì ở Thái Lan từ lâu đã cấm cửa Uber hoạt động. Lý do thật đơn giản là nước này không cho phép các phương tiện xe cá nhân hoạt động dịch vụ vận tải.
Một ứng dụng tương tự Uber được phát triển, gọi là Taxi Ok dành cho các hãng taxi hiện hành, và đẩy Uber lẫn Grab vào cảnh chạy chui.
Grab được khai sinh ở Đông Nam Á cũng đang trỗi dậy sau khi có sự hậu thuẫn về tài chính mạnh mẽ của SoftBank từ Nhật Bản với hơn 1,5 tỉ USD. Kiến thức địa phương lẫn với sự xoay xở nhanh chóng đang đưa Grab thành một thế lực của khu vực.
SoftBank đang đứng sau các ứng dụng chống lại Uber mà Grab là một ví dụ mới nhất. Công ty viễn thông của Nhật Bản này chống lưng cho Didi để mời Uber ra khỏi Trung Quốc, rồi sau đó bỏ vốn vào Ola ở Ấn Độ.
Go Jek ở Indonesia cũng gọi được kha khá vốn, ít nhất là 1,2 tỉ USD từ Tập đoàn Tencent của Trung Quốc để quyết chiến với Uber.
Trong khi đó, hãng công nghệ đến từ Mỹ – Uber – này đang có khối tiền mặt khổng lồ 6,6 tỉ trong nhà băng chưa tiêu hết trong tổng số 15 tỉ USD gọi vốn được.
Điều quan trọng hơn là Uber đang bớt lỗ mà doanh thu thì ngày một tăng lên, vì thế hứa hẹn cuộc đại chiến taxi trong thời gian tới sẽ còn khốc liệt hơn nữa.
Theo tto