Nếu như được yêu cầu lựa chọn món thịt rán thơm phức và rau xào cho bữa ăn của mình, liệu bạn sẽ chọn món nào vậy?
Dám cá rằng không ít bạn sẽ chọn lựa cho mình đĩa thịt hấp dẫn kia bởi thịt ăn thì chắc chắn sẽ ngon hơn rau rồi, rau ăn nhiều xanh ruột lại nhạt nhẽo nữa chứ.
Nhưng bạn có hay biết rằng, chính thói quen chỉ thích ăn thịt, lười ăn rau này sẽ kéo theo vô vàn những tác hại mà bạn không thể lường trước.
Chia sẻ của Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia sẽ giúp bạn hiểu hơn về những tác hại mà ta phải “gánh chịu” nếu vẫn duy trì thói quen ăn uống này.
Từ sở thích chỉ ăn thịt, lười ăn rau của đại bộ phận giới trẻ
Một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2017 đã chỉ ra, người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ ăn rất ít rau: họ chỉ ăn khoảng 170 – 200gr/ngày – bằng 1/2 mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Trong khi đó, lượng thịt được tiêu thụ đôi khi lại gấp 2 – 3 lần lượng rau. Ngoài ra, lượng cá ăn cũng cực khiêm tốn, chỉ khoảng 60gr/ngày, bằng 1/5 khuyến cáo của WHO.
Điều đó cho thấy, thói quen ăn uống thiếu cân bằng dinh dưỡng, nghiêng hẳn về đạm, thịt mà bỏ quên rau xanh của giới trẻ ngày một phổ biến hơn.
Bác sĩ Hải chia sẻ rằng: “Một bữa ăn đa dạng, cân bằng dinh dưỡng đầy đủ cả đạm, đường, chất béo, rau và phải ở một tỷ lệ cân đối, thích hợp với từng loại đối tượng mới là tốt nhất.
Thế nhưng giới trẻ hiện nay lại có xu hướng kết bạn với thịt mà bỏ quên rau – đó thật sự là 1 sai lầm tai hại”.
Bởi rau quả dù không cung cấp nhiều năng lượng nhưng lại bổ sung cho cơ thể rất nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết, đặc biệt là các chất chống oxy hoá, tốt cho cơ thể.
Trong khi đó, nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc ĐH Nam California (Mỹ) còn cho thấy rằng, người có chế độ ăn giàu đạm, thịt… sẽ tăng 74% nguy cơ tử vong so với những người ăn ít đạm.
Ngoài ra, bác sĩ Hải còn nhấn mạnh rằng: “Thực phẩm trong 1 bữa ăn cần phải được cân bằng – có rau có thịt. Nếu chỉ ăn thịt mà không (hoặc rất lười) ăn rau thì khả năng hấp thu chất đạm trong thịt cũng sẽ bị giảm sút, ngoài ra còn gây ra chứng táo bón cùng nhiều chứng bệnh nghiêm trọng nữa”.
Những hậu quả nhãn tiền của thói quen “bơ” rau chọn thịt
– Da sần sùi, nếp nhăn xuất hiện tới tấp
Ai cũng biết rằng, rau là nguồn cung cấp vitamin rất tốt cho cơ thể. Vì thế, lười ăn rau đồng nghĩa với việc cơ thể sẽ thiếu hụt đi rất nhiều vitamin quan trọng và chất carotenoid giúp da sáng đẹp, khỏe mạnh, ngăn ngừa lão hóa và ung thư da.
Một nghiên cứu của trường ĐH St Andrews ở Scotland đã chứng minh rằng, làn da của bạn có thể trắng sáng, rạng rỡ hơn chỉ nhờ ăn nhiều rau củ.
Thí nghiệm tiến hành trên 100 tình nguyện viên, 50% người được yêu cầu duy trì chế độ ăn thông thường, 50% còn lại tăng cường lượng rau củ trong khẩu phần ăn nhiều hơn gấp 2 lần. Kết quả cho thấy, những người ăn nhiều rau có làn da khỏe mạnh và căng mịn hơn.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cũng cho thấy, mức độ cao của carmitine – hợp chất dồi dào trong mỡ động vật có thể làm cứng thành mạch, khiến da nhăn nheo sớm, mất đi sự trẻ trung vốn có.
– Chất béo dư thừa, cân nặng tăng vù vù
Nguyên nhân của béo phì chủ yếu là do chế độ ăn quá dư thừa năng lượng calo như mỡ động vật, bột, đường, thịt…
Cùng với đó là hàm lượng cholesterol, đạm và chất béo cao trong thịt sẽ tích trữ nhiều hơn ở những người thường xuyên “nạp đạm” mà lười vận động. Năng lượng thừa này không những được tiêu hao mà còn tích tụ dưới dạng mỡ, bám chặt lấy cơ thể.
– Thảm họa khi… đi cầu
Chúng ta đều biết rằng, rau củ quả có chứa nhiều chất xơ – thành phần rất có lợi cho đường tiêu hóa.
Các loại thức ăn thông thường khi vào trong dạ dày sẽ bị hòa tan và thu gọn lại, còn chất xơ thì không.
Khi ăn nhiều chất xơ, thức ăn tiêu hóa sẽ được tập hợp nhiều hơn, di chuyển qua đường ruột nhanh và dễ dàng, kích thích nhu động ruột – chuyển động co bóp của ruột để đẩy thức ăn đi, giúp việc bài tiết diễn ra suôn sẻ.
Nếu bạn loại bỏ rau ra khỏi chế độ ăn, việc “đi cầu” sẽ thực sự trở thành thảm họa. Không những thế, táo bón cũng là một trong những nguyên nhân khiến bạn dễ bị ung thư đại tràng.
– Bệnh tim mạch nhăm nhe gõ cửa
Tại Hội thảo Chiến lược kiểm soát nguy cơ tim mạch diễn ra vào tháng 11/2016, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam – GS.TS. Nguyễn Lân Việt chia sẻ, tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch trẻ tuổi ở Việt Nam ngày một gia tăng. Điều tra 8 tỉnh, thành phố thì có đến 25,1% tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch từ 25 tuổi trở lên, trong khi tỷ lệ này vào thập niên 60, 80 lần lượt là 1,5%, 11,5%.
Kết quả nghiên cứu của trường ĐH Harvard đã chỉ ra, nồng độ cholesterol trong máu của người ăn nhiều thịt cao gấp nhiều lần so với người ăn chế độ thịt vừa phải hoặc không ăn thịt.
Cholesterol không phá hủy ngay cơ thể người mà hình thành những bức tường mỡ bám trong mạch máu của người ăn thịt.
Dần dần, những bức tường thành này dày ra, khiến máu lưu thông kém, buộc quả tim phải làm việc vất vả hơn, co bóp hết sức để đẩy máu đi qua mạch máu bịt lấp một nửa bởi mỡ.
Kết quả tất yếu là các chứng bệnh xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… rất dễ xảy ra. Và bạn có hay, tỷ lệ bạn trẻ mắc bệnh tim ngày càng gia tăng?
– Gan, thận “khóc thét” vì thịt, đạm
Chúng ta biết rằng, để bài tiết các hợp chất nitơ độc hại do ăn nhiều thịt, thận phải làm việc với năng suất gấp trên 3 lần so với thận người ăn ít thịt.
Không những thế, khi ăn nhiều đạm, thịt, chất ure và axit uric cũng tăng cao đột biến khiến gan, thật phải lao động kiệt sức nhằm tống độc tố ra ngoài cơ thể.
Điều này khiến cho các bộ phận chủ chốt trong cơ thể bị tổn thương do làm việc quá sức, dễ gây suy gan, suy thận, nguy hiểm tính mạng. Không những thế, sự lắng đọng quá nhiều axit uric trong các khớp nhỏ như khớp tay, chân gây nên bệnh gout.
– Nguy cơ gây bệnh ung thư tăng cao
Thoạt nghe có vẻ không liên quan nhưng theo bác sĩ Hải, ăn nhiều thịt cũng dễ bị ung thư. Sở dĩ có mối liên hệ này là đến từ lượng dư chất bảo quản có trong thịt, hay chất tạo nạc, chất kích thích… còn tồn đọng nhiều trong thực phẩm.
Thịt vốn giàu chất đạm nên dễ bị hỏng, vì thế không ít người kinh doanh đã tẩm thịt với chất bảo quản có nitrat, nitrit… Những chất này không bị phân hủy khi thịt nấu chín.
Về lâu dài, khi vào cơ thể, chúng sẽ tích tụ, kết hợp với axit amin tạo thành nitrosamin – 1 chất gây ung thư. Mặt khác, cũng có người chăn nuôi sử dụng chất kích thích tăng trưởng, kháng sinh cho vật nuôi mau lớn… điều này cũng khiến cho nguy cơ mắc bệnh ung thư càng cao hơn.
Ngoài ra, do thói quen lười ăn rau, chỉ thích ăn thịt nên càng khiến bệnh táo bón nặng thêm, ứ đọng chất độc trong cơ thể, làm bệnh ung thư dễ phát triển.
Bác sĩ Hải nhấn mạnh rằng, không có loại thực phẩm nào có thể bảo vệ bạn khỏi bệnh ung thư nhưng 1 chế độ ăn đa dạng đủ dinh dưỡng có thể làm giảm nguy cơ ung thư.
Cụ thể, thực phẩm chứa chất chống oxi hóa như vitamin C, E và carotenoid có trong rau cải xoăn, rau có lá xanh đậm, trái cây màu cam, khoai lang, bí đỏ… có thể bảo vệ cơ thể, giảm tỷ lệ bị ung thư.
Theo các chuyên gia, khi bạn còn trẻ tuổi, sức đề kháng cũng như cơ thể còn có khả năng thích nghi cao, thế nên bạn cho rằng việc ăn nhiều thịt hơn và ít ăn rau sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến cơ thể.
Nhưng chỉ sau tuổi 25 thôi, khi cơ thể cùng các bộ phận bước vào giai đoạn “lão hóa” bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được sự nguy hại này một cách rõ ràng hơn.
Không ăn rau mà chỉ ăn hoa quả thì sao?
Cần khẳng định rằng, vitamin C, chất xơ… đều có trong rau xanh, quả chín. Nhưng nếu bạn chỉ tập trung ăn hoa quả mà “bỏ qua rau” thì sẽ không có lợi cho quá trình trao đổi chất cũng như đẩy mình tiến gần hơn với cánh cửa thừa cân, béo phì.
Vì sao lại thế?
Bởi hàm lượng chất xơ trong rau khá lớn (100gr rau chứa 1 – 3gr chất xơ), trong khi ở trái cây con số này dao động khoảng 0,5 – 2gr trong 100gr.
Chất xơ không chỉ giúp ta chống lại căn bệnh táo bón, mà còn như cây chổi quét các chất độc hại ra khỏi cơ thể, giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn, ngăn ngừa bệnh béo phì…
Theo khuyến nghị của Viện Dinh Dưỡng, nhu cầu chất xơ tối thiểu cần cho người Việt Nam trưởng thành là 18 – 20gr/ngày, và để cung cấp đủ nhu cầu, mỗi người nên ăn khoảng 300gr rau/ngày và ăn quả theo khả năng.
Bạn hoàn toàn có thể chọn một số loại rau giàu chất xơ cho bữa ăn của mình như nấm (3g/100gr), rau mồng tơi, rau ngót (2,5gr/100gr), giá (2gr/100gr), cải thìa (1,8gr/100gr), rau đay, rau dền (1,5gr/100gr)…
Bổ sung chất xơ bằng hoa quả – điều đó đúng. Nhưng hãy nhớ rằng, cùng với lượng chất xơ thì trái cây cũng “cõng” thêm 1 hàm lượng đường khá lớn.
Nếu bạn tiêu thụ quá nhiều hoa quả mỗi ngày, đặc biệt là thay thế hoàn toàn rau xanh bởi hoa quả ngọt – lượng đường trong cơ thể hẳn sẽ vượt quá mức khuyến cáo cho phép – (chỉ 20gr đường/ngày – tương đương 5 thìa cà phê đường/ngày). Và rõ ràng, khi lượng đường tiêu thụ tăng, bạn sẽ tiến gần hơn tới cánh cửa béo phì mà thôi.
Tạm kết:
Bạn hãy nhớ, mỗi loại thực phẩm đều chứa hàm lượng dinh dưỡng với tỷ lệ khác nhau – và đều tốt cho cơ thể bạn.
Vì thế việc ăn đa dạng thực phẩm, kết hợp nhiều loại thức ăn 1 cách khoa học sẽ cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể bạn.
Hãy thử tính xem, mỗi ngày, bạn đang ăn bao nhiêu gram rau?
Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn:
– Livestrong
– DailyHealthRemedies
– Viện Dinh Dưỡng Quốc gia
Theo G.P
Trí Thức Trẻ