Hàng loạt bất ngờ tại phiên phúc thẩm Hoàng Công Lương

Thay vì có tới 11 luật sư như sơ thẩm, trong phiên phúc thẩm lần này, Hoàng Công Lương chỉ có 1 luật sư bào chữa cho mình.

Sáng 12-6, TAND tỉnh Hòa Bình mở lại phiên phúc thẩm xét xử Hoàng Công Lương (cựu bác sĩ khoa Hồi sức tích cực) cùng bốn bị cáo khác trong sự cố chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 9 người tử vong.

HĐXX gồm ba thẩm phán, do ông Nguyễn Văn Vận ngồi ghế chủ tọa.

Ghi nhận của PV, ngay từ sáng sớm, an ninh tại khu vực trụ sở TAND tỉnh Hòa Bình được siết chặt. Báo chí cũng như những người được triệu tập tới tòa phải qua hai lần kiểm tra an ninh.

Khác với mọi lần, tại hòa hôm nay, thay vì phải làm thủ tục ngay tại cửa an ninh như mọi khi, Hoàng Công Lương di chuyển trên ô tô riêng vào tới sát cửa phòng xét xử, khiến phóng viên không thể chụp được hình.

Cùng với đó, các phóng viên phải theo dõi phiên tòa qua màn hình thay vì được trực tiếp vào phòng xử như phiên tòa bị hoãn cách đây gần một tháng.

Khoảng 8 giờ 30, phiên tòa bắt đầu với phần làm thủ tục.

Bị cáo Hoàng Công Lương cùng chú mình là ông Hoàng Công Tình

Năm bị cáo bị đưa ra xét xử phúc thẩm gồm: Hoàng Công Lương về tội vô ý làm chết người; Trương Quý Dương (cựu giám đốc), Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc), Trần Văn Thắng (cựu trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế) và Đỗ Anh Tuấn (cựu giám đốc công ty CP dược phẩm Thiên Sơn) cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, phiên tòa được mở do có kháng cáo của các bị cáo, bị đơn dân sự là Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn và đại diện hợp pháp của chín bị hại.

Đáng chú ý, trong phiên phúc thẩm sắp diễn ra, Hoàng Công Lương chỉ có duy nhất một luật sư bào chữa cho mình là ông Hoàng Văn Hướng (Đoàn luật sư Hà Nội). Đây là lần đầu tiên luật sư Hướng tham gia vào vụ án này.

Điều trên khác hoàn toàn với các phiên xử trước đó, khi Hoàng Công Lương luôn có rất nhiều luật sư cùng tham gia bào chữa, trong đó có nhóm luật sư Nguyễn Văn Chiến và Trần Hồng Phúc. Xuyên suốt các phiên tòa, quan điểm bào chữa của nhóm luật sư này đều khẳng định Hoàng Công Lương vô tội.

Ba bị cáo còn lại là Trương Quý Dương (cựu giám đốc BV), Hoàng Đình Khiếu (cựu Phó Giám đốc BV) và Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn) đều có một luật sư bào chữa. Riêng bị cáo Trần Văn Thắng (cựu trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế) không có luật sư nào.

Một điểm đáng lưu ý khác, đó là ông Hoàng Công Tình (trưởng khoa Hồi sức tích cực, chú ruột Hoàng Công Lương) tiếp tục được triệu tập tới tòa với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Tại phiên sơ thẩm, ông Tình bị TAND TP Hòa Bình kiến nghị khởi tố để làm rõ dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, Hoàng Công Lương cũng thay đổi kháng cáo từ kêu oan sang xin miễn trách nhiệm hình sự. Giải thích về điều này với báo chí, Lương không trả lời trực tiếp mà nói đã ủy quyền cho luật sư của mình và có quan điểm như vậy.

Cũng tại tòa hôm nay, hai bị cáo Trần Văn Sơn (cựu nhân viên phòng Vật tư thiết bị y tế) và Bùi Mạnh Quốc (cựu giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) dù không có kháng cáo nhưng vẫn được triệu tập tới phiên xử.


Chiều 30-1-2019, sau nhiều ngày xét xử và nghị án kéo dài, TAND TP Hòa Bình quyết định tuyên phạt Hoàng Công Lương 42 tháng tù, Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) 54 tháng tù, cùng về tội vô ý làm chết người.

Ở tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Trương Quý Dương bị phạt 30 tháng tù, Hoàng Đình Khiếu và Trần Văn Thắng cùng 36 tháng tù, Trần Văn Sơn (cựu cán bộ phòng Vật tư thiết bị y tế) 42 tháng tù, Đỗ Anh Tuấn 30 tháng tù.

Theo plo.vn

SHARE