Hiểu thế nào về lỗi ‘sai làn’ ở Việt Nam?

Thoáng qua có vẻ giống nhau nhưng lỗi đi sai làn và đi sai biển báo có mức phạt hoàn toàn khác nhau.

Một lần, đi từ Huỳnh Thúc Kháng hướng về Thái Hà (Hà Nội), tới ngã tư đỗ xe chờ đèn đỏ ở Láng Hạ tôi sực nhớ ra có việc cần phải rẽ trái hướng về Giảng Võ. Vội vàng chuyển hướng thì tôi bị CSGT dừng xe vì lỗi đè vạch và đi sai làn đường.

Sau này, kể lại chuyện cho mấy người bạn, có người nói, lỗi đó chỉ là “không tuân thủ biển báo và vạch kẻ đường” và lỗi này không bị phạt nặng như lỗi sai làn.

Không phục, tôi tìm hiểu về lỗi của mình như sau:

Trong trường hợp lái xe rẽ trái mà lại đi vào làn có mũi tên đi thẳng thì đây là lỗi: “Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường”. Với lỗi này, người điều khiển ôtô sẽ bị phạt 100.000-200.000 đồng; còn người điều khiển môtô, xe gắn máy sẽ bị phạt mức phạt từ 60.000-80.000 đồng.

Trong khi đó, lỗi sai làn được mô tả như sau:

Khi trên mặt đường phân chia thành nhiều làn được phân biệt bằng vạch kẻ đường, và mỗi làn chỉ cho một số loại phương tiện giao thông nhất định đi trên đó. Ví dụ, làn dành riêng cho ôtô con, ôtô tải, xe máy … và có biển báo “đường dành riêng” như biển 412 (a,b,c,d) với ý nghĩa “làn đường dành riêng cho từng loại xe” hoặc một số loại biển khác như 304, 305.

Khi di chuyển trên làn đường không đúng với làn đường dành cho phương tiện mà đang điều khiển thì bị xử phạt với lỗi: “đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định” mức phạt 800.000-1.200.000 đồng; môtô, xe gắn máy chịu mức phạt 300.000-400.000 đồng.

Tương tự, sáng nay tôi vô tình thấy một hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội và thấy khá thiết thực. Cùng tìm hiểu xem đây là lỗi gì? Những hình ảnh này giúp ích cho đa số lái xe ôn lại kiến thức hiểu rõ hơn về luật để không bị phạt “hơi” oan như tôi.

Nguồn VnExpress.net

SHARE