Hành khách mua vé xe tuyến TP.HCM – Đà Lạt – Ảnh: CHÂU ANH
Theo các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, thời tiết nắng nóng, lại rơi vào kỳ nghỉ dài ngày đầu tiên trong năm là những lý do khiến các bến xe tại TP.HCM và các điểm du lịch quá tải trong kỳ nghỉ lễ này.
Vũng Tàu: báo phòng nhưng chưa báo giá
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ vào chiều 28-4, phòng của những khách sạn lớn tại Vũng Tàu đều đã được đặt gần kín từ giữa tháng, riêng hai ngày 29 và 30-4 hầu như hết phòng. Giá phòng các khách sạn lớn cũng tăng cao hơn 20-50% so với ngày thường.
Theo các nhà quản lý và doanh nghiệp kinh doanh du lịch, với thời tiết nắng nóng năm nay, Vũng Tàu sẽ đón một lượng khách lớn đến “trốn” nóng, chủ yếu khách từ TP.HCM và các tỉnh miền Đông.
Trong khi đó, nhà nghỉ bình dân cũng đã đẩy giá cao gấp 2-3 lần so với ngày thường. Một phòng đơn có giá 500.000-700.000 đồng/ngày đêm, tăng mạnh so với mức giá 200.000-250.000 đồng/ngày đêm vào những ngày bình thường.
Nhiều chủ nhà nghỉ bình dân còn dùng chiêu “ghim phòng”, đẩy giá theo từng giờ tùy theo nhu cầu du khách. Một số nhà nghỉ không ra giá trước cho du khách, mà khi nhận phòng tùy theo tình hình mới báo giá.
Trước đó, UBND TP Vũng Tàu và Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản yêu cầu các cơ sở kinh doanh du lịch đảm bảo phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá công khai và công bố số điện thoại đường dây nóng để du khách phản ảnh.
Tại một số điểm du lịch khác trên địa bàn như: Xuyên Mộc, Long Điền, Đất Đỏ, Côn Đảo…, các khách sạn lớn ven biển cũng đã hết phòng trong ngày 29 và 30-4.
Nha Trang: phòng khan hiếm, giá tăng cao
Tại Nha Trang, theo ghi nhận của phóng viên, phòng khách sạn, đặc biệt loại 2-3 sao, hầu như không còn, phần lớn đã được đặt trước.
Giám đốc một công ty lữ hành chuyên đón khách nội địa cho biết khách lẻ rất khó đặt phòng do các khách sạn đã được khách đoàn “xí chỗ” từ trước, trong đó nhiều nhóm “đầu cơ” đã đặt nhiều phòng, nay bắt đầu “bán ra” và tăng giá.
“Giá phòng loại 2-3 sao tăng 100% nhưng không dễ đặt phòng, nhất là khách lẻ. Nếu còn sẽ bị hét với giá rất cao” – vị này nói. Ngoài giá phòng tăng, một số dịch vụ như ăn uống, phương tiện chuyên chở… cũng tăng giá 30-40%.
Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, dự kiến tổng lượng khách đến địa phương này trong bốn ngày nghỉ lễ đạt khoảng 650.000 người, tăng mạnh so với dịp lễ năm trước, nhưng lượng khách nội địa không tăng nhiều do phòng khách sạn khan hiếm và tăng giá mạnh. Riêng thị trường khách quốc tế tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là khách Nga và Trung Quốc…
Đà Lạt: xe “cháy vé”, khách sạn hết phòng
Sáng 28-4, nhiều hãng xe khách tuyến Sài Gòn – Đà Lạt cho biết đã bán hết vé xe dịp lễ 30-4 và 1-5 từ nhiều ngày trước, trong khi các khách sạn và nhà nghỉ tại trung tâm thành phố này cũng kín phòng, phần lớn được đặt từ rất sớm. Nhiều nhà nghỉ, homestay tại Đà Lạt cũng thông báo hết phòng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, giá phòng có tăng nhẹ so với ngày thường nhưng chưa có hiện tượng tăng đột biến.
Trao đổi với chúng tôi, anh Đặng Duy Khôi (TP.HCM) cho biết vào cuối tuần trước đã gọi khắp các khách sạn để đặt phòng nhưng đều nhận được thông báo hết chỗ, ngay cả vé xe cũng không còn. “Tui tính chạy xe máy từ TP.HCM lên Đà Lạt rồi kiếm phòng trọ ở tạm” – anh Khôi cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyên – giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng, ngay từ đầu tháng 4-2017 cơ quan này đã có văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn thực hiện việc niêm yết giá công khai, bán đúng giá niêm yết, đảm bảo an toàn, an ninh cho du khách.
Các khu du lịch và đơn vị kinh doanh lữ hành cũng được yêu cầu đầu tư, bổ sung các trang thiết bị để nâng cao chất lượng phục vụ du khách trong dịp lễ.
Nguồn tuoitreonline