Cuộc đời chẳng ai học được chữ ngờ. Những người lâm nạn cũng không nghĩ đến chuyện có ngày mình rơi vào cảnh “cửu tử nhất sinh”. Vậy nên, học bí kíp sinh tồn chưa bao giờ là thừa cả.
Có một thực tế rằng những người gặp nạn chẳng khi nào nghĩ đến chuyện có ngày bản thân rơi vào cảnh “cửu tử nhất sinh” cả. Do vậy, bí kíp sinh tồn là những thứ học không bao giờ là thừa thãi cả.
Giờ hãy thử tưởng tượng bạn đang đi trên một chiếc du thuyền ra giữa biển, thế rồi tàu đột nhiên gặp sự cố và chìm xuống. Bạn sống sót, nhưng đang lênh đênh giữa biển khơi.
Trong hoàn cảnh đó, bạn phải làm gì để tồn tại? Chùm bí kíp sinh tồn dưới đây sẽ giúp bạn trả lời.
1. Phải thật bình tĩnh
Thấy bản thân lênh đênh giữa một biển nước chẳng bến bờ – đây chắc chắn là trải nghiệm cực kỳ đáng sợ đối với bất kỳ ai. Tuy nhiên, bạn buộc phải bình tĩnh, vì đây là sinh tồn. Hoảng loạn chỉ làm che mờ lý trí, khiến bạn mất đi sự tỉnh táo cần thiết, làm rối loạn hơi thở… Kết quả, bạn mất sức nhanh hơn bình thường, và tỉ lệ tử vong theo đó tăng lên.
Vậy nên việc đầu tiên cần làm là bình tĩnh lại. Sau đó, thực hiện các bước tiếp sau đây.
2. Chọn kiểu bơi phù hợp
Chẳng sớm thì muộn, bạn bắt đầu phải bơi. Tuy nhiên, bạn buộc phải bơi thật chuẩn để duy trì năng lượng. Hãy nhớ những quy tắc sau:
Với biển lặng, hãy bơi ngửa! Đó là tư thế bơi cho phép bạn nghỉ ngơi thoải mái, lại giữ được hơi thở đều đặn.
Khi biển có sóng thì ngược lại, tốt hơn hết là bơi úp. Ngoài ra nếu có thể thì không cần giữ cho đầu luôn nổi. Hít một hơi thật sâu, úp mặt xuống nước và thở ra là cách bơi đỡ tốn năng lượng hơn.
3. Bám vào bất kỳ thứ gì giúp bạn nổi được
Nếu hoàn cảnh bạn lâm vào là một vụ đắm tàu, chắc chắn sẽ có khá nhiều thứ dùng được đang trôi nổi trên biển. Nếu đó là một cái bè cứu hộ thì thật hoàn hảo, còn nếu không hãy bám vào bất kỳ thứ gì giúp bạn nổi được.
Đây là điều tối quan trọng, vì nó sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều năng lượng.
4. Tránh xa ánh nắng
Ánh nắng Mặt trời trong hoàn cảnh này là cực kỳ nguy hiểm. Nó khiến bạn mất nước nhanh, làm gia tăng thân nhiệt, cạn kiệt nặng lượng và cơ thể mất nước trông thấy.
Hãy nhớ luôn nhớ phải mặc nguyên quần áo, vì đó là lớp bảo vệ cơ thể bạn khỏi ánh nắng. Ngoài ra, hãy dựng một tấm bạt để tạo bóng râm, và dựng được lều nữa thì tuyệt vời.
5. Chuẩn bị thực phẩm
Nếu bạn tìm được một cái thuyền cứu hộ, nhiều khả năng trên đó sẽ có thực phẩm khẩn cấp. Hãy chia số thực phẩm đó thành khẩu phần ăn từng ngày. Như vậy sẽ làm giảm khả năng thức ăn bị ôi thiu, giúp bạn tránh nguy cơ bị… Tào Tháo đuổi ngay giữa biển.
Trong trường hợp không có, hãy tìm cách câu cá. Bạn có thể dùng dây, một mảnh vỏ lon làm lưỡi câu. Nếu không có những dụng cụ đó, thử tìm kiếm rong biển. Một số loài cá nhỏ thường mắc kẹt trong đó.
Ngoài ra hãy nhớ, tuyệt đối không được ăn thực phẩm đã ôi thiu, dù bạn có đói đến mức nào.
6. Liên tục trữ nước
Khi lênh đênh trên biển, nước là thứ quan trọng nhất. Bạn phải liên tục trữ nước từ mưa, hoặc áp dụng lấy nước bằng cách ngưng tụ nước biển.
Đầu tiên, chuẩn bị 2 bình chứa nước, một cái thùng, một tấm nylon (hoặc vật liệu không thấm nước), và một vật nặng.
Lấy đầy nước biển vào một bình chứa, đặt cạnh cái thùng, bên trong có chứa bình nước rỗng. Phủ tấm nylon lên trên tất cả, đặt vật nặng lên tấm nylon ở phía bình rỗng. Ánh Mặt trời sẽ làm bay hơi nước, bám vào tấm nylon và chảy dần về phía chúng ta muốn.
Sơ đồ tượng trưng cách lấy nước trong đất
Và hãy nhớ, dù khát đến đâu cũng tuyệt đối không được uống nước biển.
7. Phải tự cứu lấy mình, và đừng bao giờ rời bỏ thuyền
Khi đã có được một “căn cứ” trên biển, tâm lý chung là ai cũng muốn tìm về đất liền càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, chèo thuyền vô tội vạ không phải là một cách làm tốt.
Hãy nhớ, nếu như bạn không biết mình đang ở đâu, cũng không xác định được phương hướng thì tốt nhất hãy để thuyền… lạc trôi. Dòng chảy trên biển nhiều khả năng sẽ đưa bạn vào đất liền.
Trong trường hợp thấy có thuyền phía xa cũng đừng rời thuyền. Tốt hơn hết hãy ra tín hiệu cho họ bằng cách tận dụng ánh Mặt trời phản chiếu trên gương hoặc vỏ lon. Ngoài ra tuyệt đối không ra hiệu bằng lửa, vì bạn dễ phải trả giá bằng tính mạng.
8. Cuối cùng, đừng mất hy vọng
Nếu lênh đênh quá lâu cũng đừng mất hy vọng, vì đó là kẻ thù lớn nhất của con người. Hãy nhớ, đã từng có rất nhiều trường hợp lênh đênh trên biển hàng tháng trời trước khi được giải cứu.
Cuối cùng, chúc bạn không bao giờ phải áp dụng tất cả những điều kể trên.