Sau ánh hào quang đang đối mặt với những chỉ trích gay gắt, thậm chí cả sự phẫn nộ và thắc mắc của nhiều khán giả. Với tôi, khi xem vài số đầu, nhất là với các khách mời Xuân Lan và Thanh Hà thì đã cảm nhận chương trình có quá nhiều thứ bất ổn.
Nhưng rõ nét nhất là sai lầm không đáng có của ê-kíp thực hiện khi cố ý khai thác quá đà 4 yếu tố quan trọng với ý đồ làm nên một talk show “hot”.
Đối tượng khách mời có đủ tầm?
Cái tên “Sau ánh hào quang” gieo vào đầu khán giả suy nghĩ rằng khách mời của chương trình này phải là những nghệ sĩ tên tuổi, đặc biệt phải có đời sống và sự nghiệp đáng ngưỡng mộ mà bất kỳ ai nghe qua cũng phải tâm phục, khẩu phục.
Nghị lực vươn lên, câu chuyện cảm động của tình bạn, tình yêu, vợ chồng, gia đình cùng sự cống hiến quên mình cho nghệ thuật, cho xã hội của những nghệ sĩ đúng nghĩa sẽ là tấm gương sáng cho khán giả nhiều thế hệ.
Hào quang rực rỡ của một ngôi sao sáng hay vòng nguyệt quế lung linh được cài lên đầu không phải từ trên trời rơi xuống, không phải chỉ một ngày, một giờ, mà là kết quả từ một quá trình dài cống hiến vô điều kiện của nghệ sĩ và phải được khán giả đón nhận, ban tặng.
Nói ngắn gọn thì nghệ sĩ không hội đủ 2 điều kiện tiên quyết này sẽ không có hào quang. Nếu có là do mình ảo tưởng và tự phong.
Lê Giang liệu có phải là cái tên đủ tầm để trở thành khách mời của Sau ánh hào quang? |
Quả thật xác định phân định ai là nghệ sĩ lớn, ai là ngôi sao hay ai chưa xứng đáng thật không dễ dàng. Nhưng công tâm mà nói, một vài khách mời của Sau ánh hào quang chưa đủ tầm với danh xưng “hào quang” khi đời sống riêng từng gây ồn ào.
Diễn viên Lê Giang là một ví dụ. Khi hình tượng khách mời chưa được chuẩn mực, còn khá nhiều điều tiếng mà trở thành nhân vật chính của chương trình thì chuyện họ kể ra kiểu nào, có cảm động cách mấy, chân thật cách mấy thì hiệu ứng tích cực nhận được từ khán giả cũng rất nhỏ.
Khi khán giả không thích, họ sẽ không tin. Mà niềm tin bị mất từ khán giả thì chương trình xem như thất bại.
Chuyện tình éo le được khoe nhiều hơn chuyện nghề
Nếu xét về tầm, tuổi nghề và mức độ ảnh hưởng, rõ ràng cái tên của ca sĩ Thanh Hà, diễn viên kỳ cựu Cát Phượng và người mẫu Xuân Lan vẫn trên Lê Giang. Thậm chí giọng ca hải ngoại lừng danh Thanh Hà từng là thần tượng của nhiều khán giả 6X và 7X.
Cả 3 nghệ sĩ ít nhiều có những hào quang nhất định, phù hợp với tiêu chí và tiêu đề chương trình. Theo tôi, họ là đối tượng khách mời trong sự chọn lựa uu tiên hàng đầu của ê-kíp thực hiện. Họ đồng ý tham gia chương trình để chấp nhận móc gan móc ruột ra tâm sự với khán giả là những cái gật đầu quý giá.
Sao là vậy, hào quang là vậy, nhưng Sau ánh hào quang lại không tranh thủ những sự hợp tác quý giá từ những nghệ sĩ này để làm nên một chương trình khác biệt và gây tiếng vang tương xứng với mức độ đầu tư hoành tráng.
Sau thời gian dài sản xuất show hài, ít nhất đây là cú chuyển hướng hợp thời khi lần đầu tiên Đông Tây Promotion mạnh dạn sản xuất talk show với át chủ bài là Trấn Thành.
Với Trấn Thành, sau khi chủ động giảm dần cường độ xuất hiện những vị trí không được khán giả đánh giá cao như diễn hài nhảm, giả gái, đây có lẽ cũng là lần đầu tiên anh muốn trải nghiệm cảm xúc ở vị trí mới trong một quyết tâm mới: chất lượng chương trình quan trọng hơn hơn số lượng và thu nhập.
Tiếc là với tinh thần và tư duy đổi mới đáng ghi nhận như vậy, với dàn khách mời sáng giá như vậy, ê-kíp thực hiện và MC đã định hướng sai lầm. Có thể là định hướng chương trình sai ngay từ đầu, cũng có thể sai sau tiếng vang của những số phát sóng đầu tiên.
Sau ánh hào quang có những tập tốt như cuộc trò chuyện với Lý Hải, nhưng sau đó mắc sai lầm. |
Tôi nói điều này để độc giả cảm thông yếu điểm của những người làm công việc liên quan đến cảm xúc là chính. Làm hài thì bằng mọi cách lấy được nhiều tiếng cười là thành công. Còn làm bi thì khán giả khóc theo câu chuyện, theo nhân vật càng nhiều thì xem như thắng lớn.
Rõ ràng, dư âm ấn tượng nhất của chương trình sau vài số phát sóng là MC Trấn Thành không chỉ lấy nước mắt của nhiều sao Việt mà còn làm hàng triệu khán giả màn ảnh cũng phải thổn thức sụt sùi theo.
Với một nghệ sĩ tự nhận mình hay mít ướt và luôn thích làm quá, tôi biết chắc một điều rằng ngồi ở vị trí mới này, nước mắt của chương trình được trào tuôn luôn là một thứ men kích thích người dẫn chương trình ghê gớm.
Có thể quá cuồng đến mức sa đà, bằng mọi cách làm cho mọi người khóc để mình cũng được khóc, chấp nhận bán linh hồn cho nước mắt, nên ngay lập tức Thành và ê-kíp sản xuất giải nhanh bài toán: “Điều gì làm khán giả quan tâm và dễ đồng cảm nhất?”.
Không khó để trả lời ngay và luôn: “Sốc và khóc”. Chuyện tình càng éo le, bi đát, càng “thâm cung bí sử” và bất ngờ của quá khứ được đào xới lên bằng lời tự thú của chính người trong cuộc. Thế là một hợp đồng “mua bán đời tư người nổi tiếng” vô hình được thỏa thuận ngầm giữa khách mời và đơn vị sản xuất.
Rõ ràng cú trượt dốc sai lầm này cho thấy với một chương trình khai thác đời tư nghệ sĩ rất cần một biên tập, một MC – người host hết sức tỉnh táo, để biết thổi tiếng còi cảnh báo đồng đội đang đi sai hướng.
Có khách mời từ chối ngay từ đầu vì họ không thích điều này. Có khách mời đồng ý nhưng với điều kiện “không thích thì không được hỏi”. Và cũng có khách mời biến phim trường thành tòa án, tận dụng cơ hội ngàn năm để kết tội và thóa mạ “người ấy” không thương tiếc trên sóng truyền hình
“Hãy quay đầu và mỉm cười với những nguy hiểm đã qua” (Walter Scott). Ngồi nghiệm lại thì hình như tiêu chí hiện tại đang gây phản ứng dữ dội của Sao ánh hào quang trái ngược hoàn toàn với những đúc kết có lý của tiểu thuyết gia người Scotland này mà tôi tạm viết là: “Nên nhìn lại và khóc lóc thảm thiết với nỗi đau quá khứ”.
Đó cũng là lí do vì sao mọi người sẽ thấy khán giả phản bác: chẳng lẽ nghệ sĩ chỉ có những câu chuyện ghê rợn và âm u như vây? Sao chương trình này chỉ thấy khóc và toàn khóc? Cuộc sống này không có điều gì vui và ý nghĩa để kể hả mọi người?
Và cũng cùng quan điểm này mà nhiều người đã lấy làm tiếc những show dễ thương và có ý nghĩa giáo dục cao khi khách mời chỉ kể những câu chuyện cảm động trên con đường chông gai để thực hiện khát vọng làm nghề của mình như tập Lý Hải lại không nhiều.
Nói xấu người vắng mặt
Nói nhiều về một người vắng mặt là không nên. Nói xấu, vu khống, sai sự thật, thông tin đả kích một chiều người vắng mặt lại càng nên bị cấm tuyệt đối và cần phải nhắc nhở, cảnh báo. Chúng ta vẫn luôn dạy con em của mình những việc đơn giản thế này mỗi ngày.
Nhưng tại sao, người lớn, những nghệ sĩ có tên tuổi, những nhà sản xuất luôn đặt yếu tố giáo dục lên hàng đầu trong mỗi sản phẩm mình sản xuất lại có thể ung dung làm việc này? Nếu mục đích là tạo scandal để đổi rating hay câu view thì không còn gì để nói.
Nghệ sĩ Duy Phương bị tổn thương nặng nề vì Sau ánh hào quang. |
Nhưng nếu vô tình hay nhiều lí do khác liên quan đến trình độ nhận thức, kinh nghiệm, thì tôi nghĩ ê-kíp đã không chú ý đến sự khác nhau giữa thành công xứng đáng của tập ca sĩ Họa Mi cùng sự có mặt cần thiết của chồng cũ.
Chuyện tình đẹp, ứng xử văn minh chân tình của vợ chồng Họa Mi, không cần phải lên gân, khóc lóc kể lể, trách móc mà vẫn làm khán giả ngẩn ngơ, mê mệt.
Nhưng từ tập Xuân Lan rồi đến Cát Phượng, tôi tin chắc nhiều khán giả đã bắt đầu có cảm giác rợn rợn khi nghe 2 nghệ sĩ này nhắc đến tình cũ, chồng cũ – những người không xuất hiện trong chương trình – bằng giọng điệu vừa tiếc nuối pha lẫn trách móc, bằng những tình tiết khá giật gân và khó nghe.
Nếu những nhân vật được nhắc đến tình cờ xem chương trình này, họ sẽ nghĩ gì, có bị tổn thương nhiều không? Đó là nghi ngại có thật.
Và nghi ngại ấy đã vỡ òa khi tập Lê Giang phát sóng. Đây thực sự là giọt nước tràn ly khi hội đủ các tiêu chí để cộng đồng ném đá với hàng loạt chất vấn mà mọi người đều biết: Lê Giang lại được mời vào chương trình này? Hay tại chơi thân với MC? Có xứng đáng không?
Tại sao biết Duy Phương không tham gia, thông tin chưa được kiểm chứng mà ê-kíp sản xuất vẫn vô tư để Lê Giang kể tội chồng cũ?…
Khách mời phụ: lúng túng và khó xử
Công bằng mà nói, việc nhà tổ chức mời những nhân vật có liên quan đến câu chuyện của nhân vật chính là một trong những chi tiết đắt giá thể hiện quyết tâm đột phá làm một talkshow khác biệt và hoành tráng tại Việt Nam.
Nhưng đến khi mẹ của Thanh Hà xuất hiện làm cả 2 mẹ con bị đơ, rồi đỉnh điểm là việc 2 con của Lê Giang ngồi đó để chứng kiến cảnh “mẹ chửi ba” mà không biết phải nói gì …. thì mới thấy chương trình quá mê rating mà vô tình đánh mất yếu tố quan trọng hàng đầu: tính giáo dục.
Việc hai con của nghệ sĩ Duy Phương xuất hiện trong chương trình cho thấy Sau ánh hào quang quá chạy theo rating. |
Có khán giả bình phẩm: “Chương trình vô tâm đến tàn nhẫn. Không người cha mẹ nào muốn gieo vào đầu con mình sự ghét bỏ thóa mạ của người lớn”. Đọc những lời van xin, ước muốn của Duy Phước và Lê Lộc trên trang cá nhân khi bố đòi tự tử, chắc hẳn ai cũng nghẹn ngào…
Câu chuyên của Sau ánh hào quang đã đi xa hơn mọi người nghĩ, dù ê-kíp sản xuất vẫn đính chính: mục đích của chương trình là đưa nghệ sĩ đến gần hơn khán giả.
Theo Zing