Y học hiện đại ghi nhận một ca ngộ độc nguy hiểm là trường hợp bé 12 tuổi (Cộng hòa Czech) nuốt lá dẫn đến thủng động mạch chủ thực quản, xuất huyết ồ ạt.
Vạn Niên Thanh là loại cây được trồng làm cảnh đã rất quen thuộc với người Việt. Người ta quan niệm, sở hữu Vạn Niên Thanh chứng tỏ người chủ có đầu óc khoa học, thích hợp với người làm kinh doanh. Trồng Vạn Niên Thanh trong nhà ngày Tết mang đến sự sung túc, trong hôn nhân cầu chúc sự hòa hợp như ý, trong lễ mừng thọ cầu chúc được đắc thọ. Bên cạnh đó, trồng Vạn Niên Thanh còn giúp lọc sạch không khí, mang đến không gian sự mát mẻ, tươi mới.
Tuy nhiên, ít ai biết, cây Vạn Niên Thanh lại chứa chất độc mang lại tác động xấu cho sức khỏe người. Trao đổi về vấn đề này, TS. Bùi Văn Lệ (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM) trả lời VnExpress cho hay, độc tính của cây chủ yếu là do tinh thể Calcium Oxalate trong tế bào. Ngoài ra còn do các Enzyme phân giải Protein trong các tế bào tạo tinh thể.
“Nếu vô tình nhai phải lá cây, những tinh thể Calcium Oxalate có thể gây ra cảm giác ngứa, đau rát, phù trong miệng và đường tiêu hóa, sùi bọt mép, nôn mửa…”, Tiến sĩ Lệ nói.
Trong một số trường hợp, việc tiếp xúc với lá cây cũng có thể gây ra các triệu chứng này nhưng rất hiếm, chủ yếu chỉ là viêm da nhẹ. Đa số trường hợp bị ngộ độc là trẻ nhỏ hoặc thú nuôi.
Y học hiện đại cho đến nay ghi nhận một ca ngộ độc Vạn niên thanh phải can thiệp bằng phẫu thuật vào năm 2005. Đó là trường hợp bé gái 12 tuổi (Cộng hòa Czech) nuốt phải lá cây dẫn đến thủng động mạch chủ thực quản, gây xuất huyết ồ ạt.
Vạn Niên Thanh có nhiều dòng, mỗi dòng lại có độc hại và các đặc tính riêng.
Epipremnum (Vạn niên thanh leo, trầu bà). Ảnh: VOV
1. Epipremnum (Vạn niên thanh leo, trầu bà)
Xuất xứ: Châu Á, Australia
Đặc điểm: Lá hình trái tim.
Sử dụng: Dùng trang trí, loại bỏ chất ô nhiễm trong nhà. Đôi khi trồng dưới nước.
Độc tính: Có độc tính, gây kích ứng cho trẻ em và vật nuôi.
Dieffenbachia (Vạn niên thanh hoa). Ảnh: VnExpress
2. Dieffenbachia (Vạn niên thanh hoa)
Xuất xứ: Nhiệt đới, chủ yếu từ châu Phi.
Đặc điểm: Đây là cây cảnh thấp, có chấm ở lá. Ưa bóng râm nên hay trồng trong nhà.
Sử dụng: Một số nghiên cứu cho rằng có thể dùng cây này để kiểm soát sự lây lan của tế bào ung thư.
Độc tính: Nếu nhai lá, sẽ gây cảm giác nóng rát, nổi mẩn, chảy nước dãi, một số ít trường hợp có phù nề nhưng hiếm khi gây nguy hiểm đến tính mạng, sẽ khỏi khi dùng thuốc giảm đau
Aglaonema (Minh ty, vạn niên thanh). Ảnh: Genk
3. Aglaonema (Minh ty, vạn niên thanh)
Xuất xứ: Đông Nam Á
Đặc điểm: Lá kim hoặc trứng, hoa nhỏ không rõ rệt. Phiến lá loang màu bạc.
Sử dụng: Được cho là cây cảnh mang lại may mắn.
Độc tính: Nhựa có độc tính, có thể gây mẩn ngứa, nhai lá có thể gây viêm, rộp vùng miệng, lưỡi, họng…
Rohdea japonica (Vạn niên thanh Trung Quốc). Ảnh: Sốt Bolgger
4. Rohdea japonica (Vạn niên thanh Trung Quốc)
Xuất xứ: Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản)
Đặc điểm: Lá xanh hình mũi mác. Hoa nhạt màu vàng, dày đặc. Trồng làm cảnh.
Sử dụng: Theo một số nghiên cứu, có thể dùng làm thuốc lợi tiểu, thanh nhiệt, cầm máu, chữa bạch hầu… Không ăn được và gây độc, nhưng lại dùng làm thuốc Đông y.
Nếu muốn trồng vạn niên thanh nên đặt ở nơi công sở, cách xa trẻ em. Bên cạnh cây đặt biển cảnh báo để mọi người lưu ý tránh bị ảnh hưởng bởi tác động xấu.
Theo Dũng Linh/Vietq