LS được sao chụp hồ sơ ở phiên xử vụ ông Đinh La Thăng?

Ngay cả khi thời điểm yêu cầu sao chụp là trong thời gian tòa đang xét xử vụ án, thì cũng không ảnh hưởng gì.

Như báo chí đã phản ánh, tại phần thủ tục phiên tòa xét xử ông Đinh la Thăng, Trịnh Xuận Thanh và đồng phạm sáng nay, một Luật sư (LS) đề nghị HĐXX tạo điều kiện cho LS sao chụp nghiên cứu hồ sơ và được tiếp xúc với bị cáo trong thời gian tòa nghỉ không làm việc.

Lý do là thời gian điều tra, truy tố, xét xử vụ án khá ngắn, một số tài liệu chứng cứ có liên quan đến vụ án LS chưa kịp sao chụp nghiên cứu.

Vậy pháp luật quy định sao về trường hợp này?

Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của ông Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM)
Ông Long cho rằng, Điều 82 BLTTHS 2015 quy định về quyền đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án của luật sư như sau:

1. Sau khi kết thúc điều tra, nếu có yêu cầu đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm bố trí thời gian, địa điểm để người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án.

2. Sau khi đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu, người bào chữa phải bàn giao nguyên trạng hồ sơ vụ án cho cơ quan đã cung cấp hồ sơ. Nếu để mất, thất lạc, hư hỏng tài liệu, hồ sơ vụ án thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Do đó trong phiên tòa này LS có quyền được sao chụp hồ sơ bình thường giống như các phiên tòa khác.
Về vấn đề thời điểm LS yêu cầu sao chụp là trong thời gian tòa xét xử vụ án, ông Long cho rằng cũng không ảnh hưởng gì. Bởi đây là phiên tòa kéo dài nhiều ngày nên trước khi phiên tòa diễn ra, tòa đã có bộ đề cương chuẩn bị những câu hỏi.

Tòa cũng không thể hỏi cùng một lúc nhiều câu hỏi, những vấn đề nào cần hỏi trước thì HĐXX cứ tiếp tục làm việc, những phần nào tòa chưa làm tới thì tạo điều kiện để LS sao chụp.

Cũng theo khoản 4 Điều 256 BLTTHS 2015 quy định: “Tại phiên tòa, bị cáo đang bị tạm giam chỉ được tiếp xúc với người bào chữa cho mình. Việc tiếp xúc với những người khác phải được chủ tọa phiên tòa cho phép”.
Do đó về quy định để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo thì LS có quyền được tiếp xúc với thân chủ của mình. Trong phiên tòa này đề nghị của vị LS bào chữa là có cơ sở và tòa nên tạo điều kiện cho các LS thực hiện quyền bào chữa của họ theo luật.

Theo PLO