Mark Zuckerberg muốn sửa Facebook nhưng “trên bảo dưới không nghe”

Công ty đang lâm vào tình trạng “trên bảo, dưới…không biết làm thế nào”.

Sau một năm rung chuyển vì dính vào bê bối can thiệp bầu cử của Nga, CEO Mark Zuckerberg tuyên bố mục tiêu 2018 của ông sẽ là sửa lại Facebook. Tuy nhiên, khoảng cách giữa những gì “sếp” muốn và cách nhân viên thực hiện khá xa. Nhất là ở Thung lũng Silicon, nơi các lãnh đạo tập đoàn hoạt động rất tích cực trên mạng xã hội.

Xung đột này hiện rõ trong thời gian đây. Cuối tuần vừa rồi, Facebook vất vả quản lý thông điệp đưa ra sau khi bị cơ quan điều tra cáo buộc để tin tặc Nga lạm dụng, thao túng cử tri Mỹ.

Quãng đường thực hiện mục tiêu của Zuckerberg sẽ rất “chông gai” (Nguồn: Associated Press).

Không phải muốn là làm được

Chỉ vài ngày trước khi bản cáo trạng được công bố, một giám đốc điều hành khác của Facebook từng tiết lộ rằng công ty vẫn chưa chắc chắn làm thế nào để thực hiện “chỉ thị” mới nhất của Zuckerberg: thay đổi thuật toán để “tương tác có ý nghĩa” như like (thích) và share (chia sẻ) được đánh giá cao hơn.

“Không giống Mark Zuckerberg chỉ cần xuống tận nơi, đặt lệnh và mọi thứ sẽ thay đổi”, Jonathon Morgan, CEO của New Knowledge, một công ty theo dõi thông tin sai lệch, nói.

“Chúng tôi đang cố gắng tìm ra phương pháp để tính toán và hiểu rõ nhất” yêu cầu của CEO, Adam Mosseri, Phó chủ tịch quản lý Bảng tin (News feed) của Facebook, nói.

Mỗi người nói một kiểu

Gần như ngay lập tức sau kết luận điều tra, Phó chủ tịch phụ trách chính sách toàn cầu của Facebook, Joel Kaplan, tuyên bố rằng công ty luôn hợp tác với Chính phủ để tìm ra người lạm dụng mạng xã hội để phá hoại nền dân chủ Mỹ. Tuy nhiên chỉ vài giờ sau đó, phó chủ tịch Facebook phụ trách quảng cáo của công ty, Rob Goldman, có bài viết trên Twitter phủ nhận trách nhiệm và thậm chí còn đổ lỗi cho truyền thông là không đưa tin chính xác.

Chuyện có lẽ không sao vì Goldman chỉ có 1.600 người theo dõi; cho đến khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ bài viết cho 48 triệu người theo dõi ông vào ngày hôm sau. Con số 1.600 hiện trở thành hơn 11.000 người.

Facebook xử lý hậu quả bằng cách nhấn mạnh rằng Goldman chỉ đưa ra ý kiến cá nhân mà không có được chấp thuận trước. Cố gắng chấm dứt vấn đề, Kaplan lên tiếng rằng “không có gì chúng tôi tìm thấy mâu thuẫn với bản cáo trạng” của cơ quan điều tra. Trong nội bộ, công ty chỉ trích Goldman vì làm hỏng uy tín. Hôm thứ hai (19/2), ông này đã phải đưa ra lời xin lỗi với đồng nghiệp trên Facebook.

Văn hóa “thích thì nói” của các lãnh đạo cũng nhiều lần gây ra rắc rối cho mạng xã hội này. Marc Andreessen, một thành viên hội đồng quản trị Facebook, từng phải đóng tài khoản Twitter sau khi đưa ra những bình luận xúc phạm về mục tiêu của công ty ở Ấn Độ.

Có lẽ muốn sửa Facebook, Zuckerberg cần lo chấn chỉnh lại đội ngũ trước.

Theo Nguoi Dong Hanh

SHARE