‘Mưa lũ gây thiệt hại lớn vì chúng ta tàn phá tự nhiên’

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho biết đợt mưa lũ khiến 54 người thiệt mạng là hệ quả tất yếu của việc con người đang tàn phá tự nhiên.

Trong những năm gần đây, thiên tai diễn biến ngày càng khốc liệt, bất thường. Liên tiếp những trận lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh như Sơn La, Yên Bái cướp đi tính mạng của hàng chục người.

Mới đây nhất, trận mưa lũ lịch sử xảy ra ở Bắc Trung Bộ và một số tỉnh miền núi phía Bắc khiến ít nhất 60 người chết, 37 người mất tích. Chỉ trong thời gian ngắn, lượng mưa của vài ngày thậm chí còn cao hơn tổng lượng mưa của nửa năm cộng lại.

Trao đổi với phóng viên Zing.vn, các chuyên gia đồng tình rằng tình trạng phá rừng là nguyên nhân gián tiếp gây nên trận lũ quét, ngập lụt lịch sử vừa qua ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Đất trống, đồi trọc sau khi rừng bị chặt phá tan hoang. .

Lý giải cho điều này, chuyên gia Nguyễn Đức Tú, điều phối viên Chương trình đa dạng sinh học đất và nước (Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế) nêu quan điểm: “Diện tích che phủ rằng ở nước ta đang tăng dần khoảng 40%, trong đó chủ yếu là rừng trồng. Những cây này có thảm thực bì nghèo nàn, không đủ sức cản dòng nước, gây ngập lụt, xói mòn sạt lở đất ở hạ du”.

Cùng quan điểm, TS. Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nhận định: “Rừng nguyên sinh rậm rạp giúp giảm tốc độ dòng chảy rất tốt, bảo vệ hạ nguồn. Khi tôi thăm thủy điện Pleikrong (Kon Tum), nhân viên nhà máy kêu rằng tình hình đang rất gay go. Trước đây, nước lũ dồn từ thượng nguồn vào hồ, rồi xả chậm xuống hạ lưu. Hiện, nước ở trên đổ xuống dưới rất nhanh, lũ quét, ngập lụt nghiêm trọng”.

TS. Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam.

Chuyên gia Nguyễn Đức Tú cho rằng nếu cứ phá trắng rừng, hậu quả sẽ còn nặng nề hơn. “Từ xa xưa, tổ tiên có câu: ‘Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá’. Tôi nghĩ đó là những kinh nghiệm được đúc kết từ hàng ngàn đời. Khi anh tác động đến thiên nhiên thì chắc chắn sẽ gánh chịu hậu quả, thiên tai”, ông Tú nhấn mạnh.

Trước đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cũng thừa nhận phá rừng là nguyên nhân khách quan chính và đó câu chuyện lớn của nước ta. “Nhiều đồi, rừng ở khu vực Sơn La, Yên Bái đã bị cạo trọc trong khi trước đây rừng ngút ngàn che chắn. Chúng ta đang trả giá và sẽ còn tiếp tục phải trả giá, bởi trồng rừng nguyên sinh tạo ra tấm giáp cần nhiều chục năm”, ông Hoài chia sẻ.

Theo zing

SHARE