Ngành thư viện và cuộc cách mạng công nghệ 4.0

Công nghệ ngày càng phát triển nhanh chóng, buộc con người và các lĩnh vực trong xã hội phải thay đổi, thích ứng, trong đó có hoạt động thư viện. Bên cạnh những lợi ích mà công nghệ mang lại cho ngành thư viện thì cũng đi kèm với đó là những thách thức khi các thư viện điện tử chưa thật sự tạo nên sức hút đối với độc giả nhất là giới trẻ.

Đánh giá thực trạng nhu cầu đọc, xu hướng đọc hiện nay, bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH-TT&DL), sự phát triển của công nghệ trong những năm qua đã mở ra nhiều cơ hội để người đọc tiếp cận thông tin và tri thức. Tài nguyên thông tin mà các thư viện xây dựng, phát triển cũng đã vượt ra ngoài phạm vi của các bức tường thư viện cùng với sự hỗ trợ của Internet.

Trong xu thế đó, bên cạnh thuận lợi là vô vàn thách thức. “Thói quen đọc và tiếp cận của độc giả đã có nhiều thay đổi. Thay vì trực tiếp đến thư viện, họ có thể đọc mọi nơi, mọi lúc, chỉ với chiếc máy tính hoặc thiết bị thông minh”, bà Ngà nhấn mạnh. Trên thực tế, nhiều thư viện đã vượt qua hình thức cung cấp thông tin, dữ liệu theo kiểu truyền thống, mở rộng thêm các chức năng như: sưu tập tài liệu in, tài liệu đa phương tiện, chủ động thu thập dữ liệu/tài liệu số; xây dựng các chính sách truy cập, chia sẻ và sử dụng lại dữ liệu; tiến hành xử lý, lưu trữ và bảo tồn, quản lý dữ liệu; truyền thông, tổ chức cho mọi người sử dụng…

Thư viện truyền thống đứng trước áp lực cần thay đổi. Ảnh: Bản Sa

Có một thực tế là nếu không muốn đứng ngoài cuộc cách mạng công nghệ, cách thức duy nhất là các thư viện phải thay đổi, nhiều đại biểu khẳng định. Trong những năm qua, hầu hết các thư viện đã đặc biệt chú trọng đến ứng dụng CNTT và thực hiện số hóa các nguồn tài liệu. Dự án Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và Internet công cộng được triển khai đã đưa hơn 7.700 máy tính và đường truyền Internet vào sử dụng, trang bị cho hơn 900 thư viện thuộc 40 tỉnh, thành.

Tuy nhiên, một thách thức cơ bản cũng được chỉ rõ là vốn tài liệu điện tử/ tài liệu số của các thư viện ở Việt Nam hiện nay còn rất nghèo nàn. Gần 20% thư viện công cộng chưa có tài liệu số, số còn lại có nhưng cũng còn rất hạn chế. Một số thư viện trường tỉnh, thư viện ĐH vẫn còn sử dụng các phương tiện thô sơ để số hóa tài liệu.

GĐ Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM Bùi Xuân Đức cho biết, xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên số để đáp ứng nhu cầu đọc và theo kịp xu hướng của thời đại là giải pháp then chốt cho sự phát triển của các thư viện trong bối cảnh hiện nay. Giải pháp này đã được kiểm nghiệm hiệu quả từ chính thực tế hoạt động của Thư viện KHTH TPHCM, khi mà các nguồn tài liệu số hóa đã đáp ứng đa dạng và nhanh nhất nhu cầu của các đối tượng độc giả, từ văn nghệ sĩ, giới nghiên cứu khoa học đến bạn đọc là nông dân, người lao động…

Có những ví dụ khá sinh động trong đổi mới thư viện điện tử. Chẳng hạn, một số thư viện xóa bỏ quy định về giờ giấc; bố trí khu vực cho sinh viên học xuyên đêm; triển khai ứng dụng mượn và đọc sách điện tử cài đặt trên mọi thiết bị; phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh để hài hòa giữa việc đọc và học. Trung tâm Thông tin thư viện, ÐH Quốc gia Hà Nội mở cổng tìm kiếm tích hợp kho tài nguyên số nội sinh của thư viện 4 trường ĐH của Việt Nam và Singapore; xây dựng được kho tài liệu số gồm 50.000 tài liệu có giá trị khoa học cao, bao trùm tất cả các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu, mỗi năm tăng thêm từ 8.000 đến 10.000 tài liệu mới…

Tuy nhiên, những nỗ lực này cũng chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu của người đọc. Khó khăn lớn nhất với thư viện điện tử ở Việt Nam hiện nay là làm thế nào để xây dựng nguồn dữ liệu phong phú, chính xác. Nhiều năm qua, việc bổ sung tài liệu cho thư viện điện tử luôn bị hạn chế. Gần 20% số thư viện công cộng chưa có tài liệu số, số còn lại dù có cũng manh mún; khoảng 35% các thư viện phải mua hoặc thuê quyền sử dụng từ các đơn vị cung cấp trong nước, nước ngoài; 37% các thư viện được khảo sát chọn cách liên kết, sử dụng chung nguồn lực thông tin với các thư viện khác. Ngoài ra, vấn đề bản quyền, an toàn bảo mật thông tin, độ tin cậy trong sạch của dữ liệu… đang khiến nhiều đơn vị quản lý thư viện điện tử loay hoay, chưa tìm được giải pháp.

Thực tế cho thấy, việc đổi mới thư viện điện tử trước hết cần được bắt đầu từ nhận thức đúng đắn về chức năng, vai trò của thư viện. Nhiều lãnh đạo các ngành, địa phương chưa hiểu đúng bản chất vấn đề; đội ngũ cán bộ thư viện chưa được trang bị đủ kiến thức; người đọc không tin vào độ an toàn dữ liệu hoặc thờ ơ trong tích lũy kiến thức; đầu tư chưa đồng bộ… là những nguyên nhân khiến thư viện điện tử bị nhiễu loạn, thậm chí ế ẩm giữa thời đại công nghệ số.

Theo ý kiến của các chuyên gia, để ứng dụng hiệu quả thuận lợi của thư viện điện tử, đội ngũ những người làm thư viện cần mở rộng mô hình xã hội hóa, đa phương tiện; chủ động phối hợp, tương tác với giới nghiên cứu, nhà cung cấp giải pháp công nghệ; liên thông giữa các thư viện, nhà xuất bản nhằm xây dựng hệ thống thư viện điện tử tích hợp nhiều tiện ích cho người sử dụng, từng bước hội nhập với các mô hình thư viện tiên tiến trên thế giới.

Việc thống kê, tìm hiểu tính đặc thù của từng thư viện điện tử từ môi trường ứng dụng, đối tượng sử dụng, nhân lực vận hành, mức độ đầu tư, cơ sở vật chất trang thiết bị… để định hướng việc hiện đại hóa cũng hết sức cần thiết. Ðể thư viện điện tử có sức sống với độc giả, cần phải có hệ thống giải pháp đồng bộ, dài hơi và cụ thể.


Một khảo sát do Bộ VH-TT&DL tiến hành trong năm 2018 trên 100 thư viện công cộng, thư viện ĐH, trường học và thư viện Bộ, ngành cho biết, 88% thư viện được khảo sát trả lời lượng bạn đọc có xu hướng tăng nhờ việc đa dạng hóa các dịch vụ thư viện và tổ chức các hoạt động thu hút bạn đọc. 10% cho rằng số bạn đọc của họ đang giảm do tác động của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sự phát triển của công nghệ, Internet. Bạn đọc thư viện giờ đây không còn như những thập kỷ trước, họ chỉ cần ở nhà cũng có thể tra cứu, tìm kiếm bất cứ thông tin nào mà không nhất thiết phải đến thư viện.

Theo phapluatxahoi.vn

SHARE