Dù đã được chính quyền hỗ trợ nơi ở tạm nhưng nhiều hộ dân có nhà bị sạt lở ở huyện Nhà Bè vẫn chưa hết lo lắng và mong sớm được nhận đất tái định cư, ổn định cuộc sống.
Tạm bợ
Mất đi căn nhà chỉ sau một đêm, nhiều hộ gia đình giờ phải sống nhờ nhà người quen, hay tìm tới những nhà trọ và thậm chí vào trường học bị bỏ hoang để làm nơi ở.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, hiện TP có 40 điểm sạt lở, trong đó có 23 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 16 điểm sạt lở nguy hiểm và 1 điểm sạt lở bình thường.
Ông Nguyễn Văn Đầy, người mất cả 3 căn nhà trọng vụ sạt lở vừa qua không giấu được nét buồn rầu khi kể về hoàn cảnh phải sống nhờ nhà người quen sau khi căn nhà sập xuống sông.
Sinh ra và lớn lên ở đây, ông Đầy cho biết đó không phải lần đầu tiên khu vực này xảy ra sạt lở, từ những năm 1990 cho đến nay đã có 4 vụ, dù biết nguy hiểm nhưng ông ngậm ngùi: “Còn ở được thì ở, chớ đất đâu mà đi, tiền đâu mà cất”.
Ông Văn Tấn Tài (82 tuổi) trầm tư khi nhìn về hướng căn nhà bị sạt lở xuống sông. Ảnh: Tiêu Thảo. |
Trong 5 căn nhà bị sập xuống sông, có 1 căn nhà được người dân cho nhóm công nhân tha hương cầu thực thuê lại để làm nơi trú ngụ. Sau khi xảy ra sự cố, nhóm công nhân này cũng được chính quyền xã Hiệp Phước đưa về trường mầm non đã dừng hoạt động khá lâu ở tạm.
Căn phòng nhỏ hẹp chất đầy những dụng cụ còn lại sau vụ sạt lở là nơi sinh hoạt và nghỉ ngơi sau ngày làm việc mệt nhoài của họ. Phía ngoài sân trở thành không gian sinh hoạt chung, là nơi ăn uống, nấu nướng, giặt giũ của cả 3 hộ dân và nhóm công nhân.
Mong ổn định cuộc sống
Trước tình hình mất mát sau sạt lở của nhiều hộ dân, chính quyền đã hỗ trợ kịp thời nhu yếu phẩm và chi phí thuê nhà trọ cùng với sinh hoạt cho người dân.
Chị Trinh (27 tuổi), một nạn nhân của vụ sạt lở cho biết: “Trong mấy ngày qua, chính quyền hỗ trợ tôi tổng số tiền 8,5 triệu đồng, trong đó 1,5 triệu tiền nhà trọ trong vòng 3 tháng, đồng thời UBND xã Hiệp Phước có gửi tặng những phần quà là gạo, mì tôm, muối”.
Dù chính quyền có hỗ trợ, nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa bớt lo lắng khi mong muốn lớn nhất của người dân vào thời điểm hiện tại là sớm được chính quyền cấp đất để xây nhà và ổn định cuộc sống.
Là người có nhiều năm sinh sống tại đây, ông Văn Tấn Tài cho biết sau vụ sạt lở mới đây ở khúc sông phía trên, chính quyền huyện Nhà Bè đã nhanh chóng cấp cho người dân một khu đất để làm nơi ở mới, đồng thời hỗ trợ mỗi hộ 50 triệu đồng để xây nhà.
Hiện trường vụ sạt lở tại ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (TP.HCM) sáng 27/6. Ảnh: Lê Trai. |
Hơn mười ngày trôi qua, những hộ dân gặp nạn dần quen cuộc sống tạm bợ, họ chưa dám nghĩ nhiều đến tương lai khi vẫn phải sống như hiện tại. Ông Nguyễn Thành Đồng (42 tuổi) bày tỏ: “Tôi mong sớm được cấp đất, cất nhà để gia đình tập trung làm ăn và chăm sóc hai đứa con”.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Lưu, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết ngay sau vụ sạt lở ở xã Hiệp Phước, lãnh đạo huyện nhanh chóng hỗ trợ kinh phí và bố trí nơi ở tạm cho 5 hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, UBND xã Hiệp Phước đã di dời 3 hộ dân còn lại sang nơi ở mới.
Liên quan đến việc bố trí nơi ở mới cho các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở, ông Lưu cho biết khu đất tái định cư cho các hộ dân ảnh hưởng sạt lở và biến đổi khí hậu đã được TP phê duyệt ở xã Hiệp Phước. Khu tái định cư này dự kiến là nơi ở của 270 hộ dân với trên 1.500 nhân khẩu. Dự kiến trong tháng 9/2017 sẽ có 50 hộ đầu tiên sẽ được nhận đất, xây nhà mới.
Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cũng thông tin hiện trên địa bàn huyện có 16 điểm có nguy cơ sạt lở. Các dự án xây dựng bờ kè đã có đủ vốn, huyện sẽ quản lý 4 dự án, còn Sở GTVT quản lý 12 dự án, tất cả kinh phí xây dựng các dự án đều sử dụng nguồn ngân sách thành phố.
Theo zing