Rất nhiều quốc gia trên thế giới mạnh về mía đường như Brazil, Philippines, Thái Lan… đã sử dụng phụ phẩm từ mía: bã mía để tạo ra điện năng.
Ưu điểm của việc phát nhiệt điện từ bã mía là không gây hiệu ứng nhà kính do sử dụng lò hơi công nghệ hiện đại; không ảnh hưởng đến môi trường do không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời không cạn kiệt như dầu mỏ hay nguy hiểm như điện hạt nhân. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất điện từ bã mía không quá phức tạp. Bã mía sau khi ép được đưa vào lò đốt sinh hơi, trải qua áp suất và nhiệt độ cao trước khi được sử dụng làm quay tuabin và máy phát sinh ra điện.
Nguồn: Hiệp hội Mía đường Việt Nam
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, cho biết tại Hội thảo Mía đường Quốc tế TTC ngày 18/8 rằng, mỗi tấn mía tạo ra 0,3 tấn bã mía. Từ 0,3 tấn bã này có thể sản xuất được 100 – 120 kWh điện. Theo ông Doanh, dự báo đến năm 2020, cả nước sẽ sản xuất ra khoảng 20 triệu tấn mía, tương đương 2.400 MW. Đến năm 2030, sẽ có khoảng 24 triệu tấn mía, tương đương 2.800 MW.
Như vậy, nếu tận dụng được nguồn nguyên liệu từ bã mía, ngành mía đường có thể đảm nhận khoảng 10% sản lượng điện quốc gia, giải quyết các vấn đề môi trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thu mua bã mía của nông dân với giá tốt hơn.
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, hiện Việt Nam có 41 nhà máy đường. Mỗi năm các nhà máy đường ép trên 15 triệu tấn mía, tương đương 4,5 triệu tấn bã mía. Nếu lượng bã này được sử dụng và khai thác hiệu quả để phát điện sẽ tạo ra lượng điện tương đương 1,2 – 1,4 tỷ kWh.
Có thể thấy điện sản xuất từ bã mía là nguồn năng lượng tái tạo nhiều tiềm năng. Sử dụng nguồn điện từ bã mía có thể giúp giảm áp lực cho các nhà máy thủy điện khi thiếu nước vào mùa khô, lại an toàn, tiết kiệm được nguồn năng lượng hóa thạch.
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Ông Phạm Hồng Dương, Giám đốc nhà máy đường Bourbon, nay là Chủ tịch HĐQT, Tổng công ty Đường TTC Biên Hòa, từng chia sẻ sản xuất điện từ bã mía là công nghệ hiện đại và hiệu quả. Năng lượng điện phát ra từ nguồn nhiên liệu bã mía có ưu điểm là không gây hiệu ứng nhà kính do sử dụng lò hơi công nghệ hiện đại; không ảnh hưởng đến môi trường do không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, không phải ngăn dòng chảy sông ngòi gây mất cân bằng sinh thái; lại có thể sẽ không cạn kiệt như dầu mỏ hay nguy hiểm như điện hạt nhân.
Tại Hội nghị mía đường quốc tế TTC, ông Dương cũng đưa ra con số về mức chênh lệch lớn về giá điện từ bã mía giữa Việt Nam, Thái Lan, Philippines. Tại Việt Nam, giá điện từ bã mía là 1.220 đồng/kwh, còn ở Thái Lan và Philippines, các con số này lần lượt là 2.660 đồng/kwh và 2.996 đồng/kwh.
Như vậy, giá điện sinh khối từ bã mía tại nước ta còn rất thấp so với các quốc gia trong khu vực mạnh về mía đường và thấp hơn ngay với các giá điện từ các nhà máy chạy dầu. Do đó, theo nhiều chuyên gia, các nhà máy chưa bỏ muốn bỏ tiền ra đầu tư do giá bán ra thấp nên nhiều doanh nghiệp còn chần chừ.
Phụ phẩm từ cây mía này có thể đóng góp lớn vào nguồn điện năng thân thiện môi trường nhưng dường như vẫn còn bỏ ngỏ!
Thế Trần
Theo Trí Thức Trẻ