Nhộn nhạo “chợ” thực phẩm chức năng online

Xu hướng bán và mua hàng qua mạng ngày càng trở nên phổ biến. Người mua thích vì sự tiện lợi, nhưng kẻ bán lại khoái khi được thả lỏng hơn về quản lý, lẫn nguồn gốc.

Với các mặt hàng thực phẩm chức năng (TPCN) xách tay, nhập khẩu… điều này càng bộc lộ nhiều bất cập.

Càng tìm hiểu càng… rối

Chị Đỗ Thị H. (Hà Đông, Hà Nội) theo bạn bè mách nên cố gắng đi tìm một loại tảo tăng chiều cao của Nhật, nghe nói có khả năng giúp trẻ tăng từ 3-8cm/tháng. Chị lên mạng tìm được một “nhà cung cấp” trên facebook quảng cáo rằng họ chuyên hàng xách tay từ các nước Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…  có bán mặt hàng chị cần tìm với giá 750.000 đồng/hộp.

Thế nhưng khi tìm hiểu thêm để so sánh giá, chị lại phát hiện thêm vài sản phẩm khác tương tự với nhiều mức giá khác nhau. Riêng hàng được quảng cáo từ Nhật cũng đã có đến vài loại với giá dao động từ 1,5-2,4 triệu đồng/hộp. Ngoài ra, còn có các sản phẩm khác được giới thiệu mang về từ Mỹ, Đức… giá tiền cao hơn nữa.

Càng bối rối hơn khi chị đọc công dụng của các sản phẩm này, có loại cam kết tăng thêm 3-5cm, có loại mạnh hơn cam kết tăng chiều cao từ 5-10cm, thậm chí hơn nữa… Và sản phẩm nào cũng có đông lượt bình luận, hỏi han. Đặc biệt lại thấy một vài phản hồi không tốt khiến chị bán tín bán nghi, đành bấm bụng đợi dịp tìm người quen đang sinh sống ở bên Nhật tìm hiểu và mua hộ.

 

Lực lượng chức năng xử lý một vụ kinh doanh TPCN giả.

Lực lượng chức năng xử lý một vụ kinh doanh TPCN giả.

 

Bên cạnh các loại TPCN cho trẻ thì các sản phẩm về tăng cường sinh lực, chống lão hóa, làm đẹp… luôn nằm trong top được người mua ưa chuộng. Tuy nhiên đây cũng lại là “mê hồn trận” về giá cả, chủng loại. Cùng loại vitamin E của Mỹ nhưng có trang mạng rao giá 650.000 đồng/lọ 500 viên, có trang rao chỉ 450.000 đồng. Tinh chất mầm đậu nành của Mỹ nơi bán 300.000 đồng nơi bán 450.000 đồng/lọ. Omega 3-6-9 của Đức giá từ 225.000 đồng/hộp đến 400.000 đồng/hộp, sữa ong chúa có nơi 500.000 đồng/hộp có nơi lại 2,5 triệu đồng.

Sản phẩm nào người bán cũng cam kết hàng chính hãng nổi tiếng, do người nhà đang sống, học tập, làm việc ở nước ngoài, hoặc các mối hàng chuyên đánh về. Giải thích về mức giá khác nhau, nơi bán giá cao cho rằng sản phẩm của họ mới là hàng “xịn”, còn nơi bán giá thấp thì cho biết nhập được nguồn rẻ, hoặc khuyến mãi…

Hàng nhập khẩu “made in Vietnam”

Bộ Y tế vừa ban hành Kế hoạch kiểm tra hoạt động quảng cáo và sản xuất kinh doanh TPCN từ tháng 9-12/2017, với mục đích tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) ở các cấp, thông qua hoạt động kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về quảng cáo và sản xuất, kinh doanh TPCN. Đồng thời đánh giá việc chấp hành pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPCN quy định của pháp luật.

Theo quy định về quản lý TPCN tại Thông tư 43/2014/TT-BYT, các TPCN dù nhập khẩu hay sản xuất trong nước đều phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy tại Cục ATTP (Bộ Y tế) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Để được phân phối TPCN nhập khẩu, cơ sở phải có giấy đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Ngoài ra, yêu cầu ghi nhãn mác hàng hóa đối với TPCN cũng chặt chẽ, phải bằng tiếng Việt với các thông tin về tên sản phẩm, thành phần cấu tạo, đơn vị nhập khẩu và phân phối… Phải ghi rõ khuyến cáo “Sản phẩm không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Trước đó, Cục ATTP – Bộ Y tế đã xử phạt hành chính 5 cơ sở vi phạm về ATTP với số tiền phạt là 191 triệu đồng. Đáng chú ý có rất nhiều sản phẩm TPCN giả được các công ty nhập không rõ nguồn gốc; không đúng tiêu chuẩn công bố; không duy trì việc kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ theo quy định…

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội bộc bạch, việc quảng cáo và bán TPCN xách tay trên trang facebook cá nhân khiến việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Nếu các công ty sản xuất kinh doanh, các nhà thuốc có địa chỉ cụ thể bán TPCN… thì rất dễ kiểm tra. Còn việc tìm đủ căn cứ để chứng minh chủ tài khoản facebook thực hiện buôn bán TPCN xách tay không hề đơn giản. Nhiều người viện lý do để chối bỏ trách nhiệm như: chỉ đăng thông tin đơn thuần, bị tạo lập trang cá nhân giả…

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) lưu ý rằng, để sử dụng TPCN tốt không phải dễ nhưng nhiều người lại lạm dụng, coi đó như món ăn thần thánh có thể thay thế các thực phẩm hàng ngày. Hậu quả là mất một khoản tiền lớn, còn thực sự tác dụng và chất lượng như thế nào thì không thể biết được.

Thiết nghĩ, những người “nghiền” TPCN cần luôn nhớ một điều, TPCN không hoàn toàn thay thế được thực phẩm thông thường, nằm ở ranh giới giữa thực phẩm và thuốc, tác dụng của nó có nhưng không nhiều.

Theo Suckhoedoisong

SHARE