Những chiêu thức lừa đảo đang ngày một tinh vi và đánh trúng vào tâm lí nạn nhân. Vì vậy, chúng ta cần sáng suốt và đề phòng những tình huống đáng ngờ để khỏi rơi vào bẫy của những kẻ bất lương.
Câu chuyện 1:
Chủ nhà đang ở trong nhà một mình, đột ngột mất điện, mở cửa sổ ngó ra ngoài thấy nhà hàng xóm đều có điện liền mở cửa đi ra ngoài kiểm tra cột điện nhà mình. Vừa mở cửa đã bị một con dao kề vào cổ, kẻ trộm đột nhập vào nhà và cướp đoạt tài sản.
Nhắc nhở: Trong nhà đột ngột mất điện, đừng vội vàng mở cửa ra. Nhà nào cửa có gắn mắt thần trước tiên hãy quan sát xem động tĩnh bên ngoài. Nếu nhà nào cửa không gắn mắt thần hãy ở yên trong nhà lắng nghe động tĩnh bên ngoài một lúc, đến lúc không có tiếng động lạ thì mới ra ngoài.
Câu chuyện 2:
Theo Telegraph, một hình thức lừa đảo mới vừa ra đời với câu hỏi nhằm mục đích nhận câu trả lời “Có” đến từ nạn nhân. Trong quá trình tiếp nhận câu trả lời, kẻ gian sẽ thu âm lại lời nói của nạn nhân để ủy quyền cho các tác vụ thực hiện thanh toán hóa đơn bằng tên của nạn nhân ở những dịch vụ sử dụng xác nhận bằng lời nói.
Giám đốc Liên đoàn bảo vệ người tiêu dùng Mỹ – Susan Grant nói với CBS News rằng khi mọi người trả lời “Có”, giọng nói sẽ được kẻ gian thu âm lại và điều đó có nghĩa bạn đã đồng ý với một điều gì đó.
Nhắc nhở: Tốt nhất, mọi người chỉ đơn giản là đặt điện thoại xuống khi gặp một câu hỏi tương tự như vậy đến từ số điện thoại lạ. Vấn đề là hình thức lừa đảo này đang bắt đầu có dấu hiệu lan rộng, không chỉ ở Mỹ, Anh mà hiện tại nó đã xuất hiện tại Úc… Mặc dù điều này đã được cảnh báo nhiều nhưng hầu hết mọi người vẫn sập bẫy, nhất là khi kẻ gian thực hiện đi thực hiện lại nhiều câu hỏi. Vì vậy tốt nhất hãy dập máy xuống nếu thấy nghi ngờ, nhất là với những số điện thoại lạ.
Câu chuyện 3:
Một cô gái đang trên đường đi làm về nhà thì nhìn thấy một đứa bé đứng khóc bên lề đường trông rất tội nghiệp. Cô gái tốt bụng dừng lại hỏi đứa bé sao cháu lại khóc. Đứa bé nói với cô gái “Cháu lạc đường rồi, cô có thể dẫn cháu về nhà được không”, rồi đưa cho cô gái một mẩu giấy trên đó viết địa chỉ nhà. Sau đó cô gái tốt bụng dẫn đứa bé đi tìm nhà nó. Tìm được nhà đứa bé, cô gái ấn chuông cửa, một người đàn ông chạy ra đón. Sau đó cô gái lịm dần, không biết chuyện gì đang xảy ra. Ngày hôm sau, tỉnh dậy thấy mình trần truồng nằm trong căn phòng trống, bên cạnh không có một ai. Ngay cả mặt mũi kẻ đã hãm hại mình cô ấy cũng không nhớ rõ.
Nhắc nhở: Tội phạm bây giờ thường lợi dụng lòng trắc ẩn của những cô gái nhẹ dạ. Nếu gặp tình huống tương tự thế này, vì sự an toàn của đứa bé cũng như bản thân mình, hãy dẫn đứa bé đến đồn công an gần nhất.
Câu chuyện 4:
Chiêu lừa đảo “kinh điển” nhất trong thời gian qua khiến nhiều nạn nhân liên tục “say đòn” chính là lợi dụng các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, mạng Internet đưa ra thông tin trúng thưởng để câu nhử nạn nhân. Đối tượng thực hiện gửi tin nhắn, thông báo trúng thưởng đến các thành viên tham gia trang mạng, tài khoản game online để “rải thóc” cho các thành viên tham gia truy cập vào một số trang web giả mạo do chính chúng lập ra. Các cụm từ “vòng quay trúng thưởng”, “tri ân khách hàng”, “tuần lễ vàng”… khiến cho nhiều người có cảm giác… giàu đến nơi!
Khi nắm thóp được các nạn nhân đang háo hức với giải thưởng lớn, chúng yêu cầu nộp một khoản lệ phí nho nhỏ như phí vận chuyển, phí nhận thưởng bằng cách nộp tiền qua thẻ cào hoặc qua tài khoản. Chúng nghĩ ra nhiều công đoạn để “rút ruột” của nạn nhân, đến khi cảm thấy ăn đủ hoặc không thể moi thêm nữa là điện thoại “ò í e” không để lại dấu vết. Nạn nhân tìm đến các địa chỉ nói trên thì mới biết mình bị lừa, còn cơ quan CA cũng rất khó khăn để có thể tìm ra manh mối xử lý.
Nhắc nhở: Khi nhận được thông báo trúng thưởng, mọi người cần tỉnh táo đề phòng, tìm hiểu kĩ càng thông tin, đừng vì quá tham lam món hời từ trên trời rơi xuống mà để cho kẻ gian có cơ hội lộng hành.
Câu chuyện 5:
Một hình thức phổ biến nữa là đối tượng lợi dụng mạng điện thoại gửi tin nhắn trúng thưởng đến các thuê bao di động và úp mở rằng “chỉ áp dụng cho tài khoản nhận được thông báo này”. Sau thông tin báo trúng thưởng, chúng gửi kèm trang web nhangiainhat.x.x.x để nạn nhân truy cập, đi vào mê cung và để lại tất cả các thông tin liên quan đến cá nhân như họ tên, năm sinh, địa chỉ, số điện thoại, mật khẩu email, tài khoản ngân hàng. Tất cả thông tin này như mũi tên “bắn” lại phía nạn nhân, phát nào trúng phát đó. Không chỉ chiếm đoạt tiền của nạn nhân thông qua việc cào thẻ hoặc chuyển khoản, chúng còn chiếm quyền sử dụng tài khoản email, mạng xã hội để cầu cứu những người có tên trong danh mục bạn bè của họ để vay tiền, nhờ nộp card điện thoại mà nạn nhân cũng như chủ tài khoản không hề hay biết.
Nhắc nhở: Cũng là một hình thức đánh vào lòng tham khác nhưng được thực hiện tinh vi hơn bằng công nghệ. Một lần nữa, mọi người nên cẩn thận trước những đường link đáng ngờ và tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho những trang web như vậy.
Theo thethaovanhoa