SEA Games 29 là điều kỳ diệu

SEA Games 2017 chưa kết thúc nhưng tới thời điểm này, thể thao Việt Nam (TTVN) chắc chắn đã có một giải đấu thành công. Đoàn thể thao Việt Nam hiện xếp thứ 3 nhờ chiến thắng áp đảo của môn điền kinh và sự tiến bộ của bơi lội. Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, tin rằng đó đều là những tín hiệu đáng mừng trên con đường vươn ra thế giới của thể thao Việt Nam.

Thắng lợi lớn của tuyển điền kinh

Ông Minh phân tích: “Nhìn vào sự phát triển của một nền thể thao, bao giờ người ta cũng nhìn vào những môn thi đấu của chương trình Olympic. Nhưng môn thi đấu trong chương trình Olympic là môn nào? Một số môn thể thao cơ bản của Olympic ra đời từ thời cổ đại như điền kinh, bơi và thể dục dụng cụ. Trong Olympic cổ đại còn ra đời một số môn khác như vật, một số môn thể thao chiến đấu, một số môn ứng dụng sức mạnh như cử tạ”

Tú Chinh và đồng đội giành HCV, phá kỷ lục SEA Games của Thái Lan Đạt thành tích 43 giây 88, phá kỷ lục do Thái Lan nắm giữ 1 thập kỷ qua (44 giây), Tú Chinh và đồng đội xuất sắc giành HCV SEA Games 29 nội dung chạy tiếp sức 4×100 m nữ.

Vị chuyên gia nguyên là trưởng đoàn thể thao Việt Nam trong nhiều kỳ SEA Games, ASIAD và Olympic nhấn mạnh, điền kinh là môn thể thao ra đời sớm nhất và là môn hoạt động cơ bản. Hoạt động của điền kinh là cơ sở để phát triển các môn thể thao khác. Trong tất cả các kỳ Đại hội từ Olympic cổ đại tới nay, điền kinh luôn là môn chiếm số lượng huy chương nhiều nhất đồng thời đứng vững một cách ổn định trong thi đấu.

'Vuot Thai Lan o SEA Games la dieu ky dieu' hinh anh 1
Tương quan giữa điền kinh Thái Lan và Việt Nam thay đổi lớn chỉ sau 1 kỳ SEA Games. Đồ Họa: Trí Mai

Tại SEA Games 2017, điền kinh Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Thái Lan, đứng nhất toàn đoàn với 17 HCV. Nhớ về hơn 2 thập kỷ đã qua của điền kinh Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh bồi hồi: “Điền kinh Việt Nam trong những năm 90 của thế kỷ trước chỉ tập trung phát triển nội dung trung bình và cự ly dài như 800 m, 1.500 m, 5.000 m, 10.000 m và marathon. Cách làm ấy phiến diện nhưng phù hợp với thời kỳ đó khi người ta sử dụng điền kinh như một phương tiện huấn luyện thanh niên, thế hệ trẻ cho lao động và chiến đấu. Còn các nội dung khác không phát triển”.

Theo ông Minh, mãi tới năm 1995 tại SEA Games Chiang Mai (Thái Lan), chúng ta mới có 1 HCV của Vũ Bích Hường ở môn chạy 100 m rào. Đó là nội dung cự ly ngắn đầu tiên đoàn TTVN có thành tích. Bắt đầu từ SEA Games 2003 tổ chức ở Việt Nam, sự phát triển điền kinh ở Việt Nam đã mở ra các cự ly khác bao gồm cự ly ngắn, trung bình, các nội dung nhảy xa, nhảy cao. Như vậy, điền kinh Việt Nam đã phát triển tương đối toàn diện trong số 46 nội dung điền kinh.

“Từ năm ấy, chúng ta biết rằng chúng ta có khả năng phát triển. Những người làm điền kinh đã phấn đấu và mở rộng nội dung. Từ đó, chúng ta đã có huy chương châu lục, huy chương ASIAD, có những VĐV vượt qua vòng loại châu lục để tới Olympic”, người đàn ông có thâm niên công tác hơn 40 năm trong ngành thể thao với nhiều vai trò và vị trí khác nhau tự hào.

Nếu như ở SEA Games 2015, điền kinh Việt Nam đạt bước nhảy vọt với 11 HCV thì tại Malaysia 2017, điền kinh còn thắng lợi hơn khi giành thêm tới 6 tấm HCV, nâng thành tích lên 17 HCV.

'Vuot Thai Lan o SEA Games la dieu ky dieu' hinh anh 2
Nguyễn Thị Huyền và Lê Tú Chinh là những ngôi sao sáng của TTVN tại SEA Games 29. Ảnh: Tiến Tuấn.

Ông Hồng Minh nói thêm: “Trong 2 kỳ SEA Games gần đây nhất, điền kinh Việt Nam đã thắng lợi giòn giã ở Singapore với thành tích 11 HCV, phá nhiều kỷ lục điển hình là đội 4×400 m nữ phá kỷ lục 24 năm tồn tại của người Thái Lan. Năm nay, điền kinh thắng lợi tuyệt đối khi giành 17 HCV ở rất nhiều nội dung từ chạy 100 m, 200 m cho tới chạy 4×400, 800, 1.500 m, nhảy xa nam, nhảy xa nữ…”.

Rõ ràng, điền kinh đã có một thắng lợi lớn và tuyệt đối. Một điều kỳ diệu khác là điền kinh Việt Nam đã lần đầu tiên vượt qua Thái Lan – một đội tuyển từng ngự trị Đông Nam Á và có HCV ASIAD. Lần này, đội tuyển ấy đã phải thua Việt Nam.

Thắng lợi của điền kinh là minh chứng cho sự phát triển đúng hướng của thể thao Việt Nam. Trong 4, 5 năm trở lại đây, từ sau SEA Games Myanmar 2013, TTVN bắt đầu tập trung phát triển các môn Olympic như điền kinh, bơi lội, cử tạ, đấu kiếm… Sự phát triển ấy đã mang lại kết quả tốt đẹp.

Điều kỳ diệu từ bơi lội và Ánh Viên

Bên cạnh điền kinh, môn thể thao mang tới nhiều HCV thứ 2 cho Việt Nam tại SEA Games 2017 là bơi lội. Đội tuyển bơi có 10 HCV trong đó 8 tấm thuộc về Nguyễn Thị Ánh Viên.

'Vuot Thai Lan o SEA Games la dieu ky dieu' hinh anh 3
Nguyễn Thị Ánh Viên vẫn là VĐV chủ lực của bơi lội Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung tại SEA Games. Đồ họa: Trí Mai

Ông Minh nhớ lại: “Bơi Việt Nam trong thời gian đầu hội nhập SEA Games đã trải qua nhiều vất vả, khó khăn. Năm 2001, khi SEA Games tổ chức tại Kuala Lumpur, Việt Nam mới có 1 tấm HCB duy nhất của Trần Xuân Hiển trong nội dung bơi ếch. Chỉ thế mà những người làng bơi đã mừng tới phát khóc. Mãi đến năm 2005, chúng ta mới có 1 HCV của Nguyễn Hữu Việt (Hải Phòng). Đó cũng là một niềm hạnh phúc tột độ vì lần đầu tiên chúng ta có HCV SEA Games”.

Ông Minh nhấn mạnh, hiện tại đội tuyển bơi Việt Nam hùng hậu với gần 30 VĐV, trong đó có những VĐV ưu tú nhất của Đại hội như Ánh Viên với 8 HCV và nhiều huy chương bạc, đồng khác. Đó là chưa kể những VĐV rất xuất sắc như Nguyễn Hữu Kim Sơn, Nguyễn Huy Hoàng – giành HCV, phá kỷ lục khi họ còn rất trẻ, mới 15, 17 tuổi. Ngoài ra, nhiều VĐV khác giành HCB, HCĐ, thể hiện được sức mạnh toàn đoàn.

“Bơi Việt Nam giờ là một lực lượng đáng kể ở Đông Nam Á, làm Singapore, Indonesia và Philippines phải kiêng nể. Điều đó nói lên quyết tâm đúng đắn của những người làm bơi lội và ngành thể thao”, người đàn ông đầy tâm huyết và có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành thể thao Việt Nam lạc quan.

'Vuot Thai Lan o SEA Games la dieu ky dieu' hinh anh 4
Ánh Viên “không có đối thủ” ở đường đua xanh khu vực. Ảnh: Tiến Tuấn.

Chiến thắng của bơi lội và điền kinh có ý nghĩa cực lớn vì đây là 2 môn thể thao danh giá nhất của Olympic. Nguyên Vụ trưởng tổng kết lại: “Nếu lấy bảng tổng sắp huy chương ở SEA Games 2015 ra xem, ta sẽ thấy trên 80 % huy chương của chúng ta thuộc về các môn thể thao Olympic. Còn lần này, riêng điền kinh và bơi đã chiếm 27 HCV trên tổng số 58 HCV hiện tại”.

Điểm sáng Thể dục dụng cụ (TDDC)

Ngoài điền kinh, bơi lội, một số môn thể thao khác như như Thể dục dụng cụ, đấu kiếm, cử tạ cũng gây được ấn tượng mạnh với ông Hồng Minh: “Ở môn thể dục dụng cụ, năm 2015, chúng ta giành 9 HCV và có kỳ giành tới 11 HCV như hồi năm 2011. Nhưng lần này, đội tuyển bị hạn chế về nội dung và đối mặt với cuộc chuyển giao thế hệ của đội nữ, vậy mà các nam VĐV vẫn giành 5 HCV trên tổng số 7 HCV của nam. Đó vẫn là sự thắng lợi tuyệt đối của đội nam. Đặc biệt, các bài tập nhảy ngựa, xà kép, vòng treo của Việt Nam đều ở trình độ châu lục.

Ngoài ra, chúng ta còn thấy nhiều môn thể thao khác mang tới niềm vui dù họ phải vượt qua nhiều khó khăn ở kỳ SEA Games này. Đấu kiếm có rất nhiều nội dung nhưng nước chủ nhà chỉ đưa ra có 5 nội dung. Vậy mà tuyển đấu kiếm vẫn giành 5 HCV. Cử tạ cũng chỉ có 5 nội dung, nhiều nội dung không được Malaysia đưa vào nhưng ta vẫn giành 2 HCV và phá kỷ lục với VĐV Trịnh Văn Vinh ở hạng cân 62 kg”.

'Vuot Thai Lan o SEA Games la dieu ky dieu' hinh anh 5
Nguyễn Hữu Kim Sơn, kình ngư 15 tuổi, là một trong những phát hiện lớn nhất của TTVN tại SEA Games 29. Anh đoạt HCV ở nội dung 400 m cá nhân hỗn hợp nam. Ảnh: Tiến Tuấn.

Tổng kết lại, ông Minh tin rằng con đường thể thao Việt Nam đang chọn là đúng đắn và cần phải kiên trì, tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn. VĐV Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển và đạt kết quả tốt trong các môn thể thao ở chương trình Olympic. Đồng thời, qua đây, chúng ta nhìn thấy một số VĐV trẻ có tiềm năng để đầu tư cho đấu trường ASIAD và Olympic.

Theo Trí thức trực tuyến

SHARE