Những nỗi ám ảnh bất cứ cha mẹ nào cũng cần vượt qua khi con lên 2 tuổi

“Nỗi sợ tuổi lên 2” được xem là thời kỳ ngỗ nghịch đầu tiên ở trẻ nhỏ. Trẻ rất thích sử dụng quyền của “cái tôi” để làm điều mình thích và thường là đi ngược lại với mong muốn của bố mẹ.

Tại sao xuất hiện “nỗi sợ tuổi lên 2”?

Lúc mới sinh ra và còn quá nhỏ, trẻ chưa có ý thức cái tôi độc lập và cảm thấy bản thân là một thể thống nhất với người mẹ. Tuy nhiên, khi độ tuổi tăng lên cùng với trí não ngày càng trưởng thành, hoàn thiện, trẻ bắt đầu ý thức được sự tồn tại cá nhân của mình và luôn muốn trải nghiệm bằng những hành động cụ thể, thậm chí trẻ còn có tâm lý muốn chứng minh “cái tôi” riêng biệt của mình với mọi người. Từ hiện tượng tâm lý này, trẻ sẽ biểu hiện các hành vi được xem là “ngỗ nghịch” để khẳng định cái tôi của bản thân và thời kỳ đầu tiên chính là “nỗi sợ tuổi lên 2”.

Gọi là “nỗi sợ tuổi lên 2” không có nghĩa là nhất định sẽ xuất hiện khi trẻ 2 tuổi, thông thường nó có thể xảy ra trong khoảng 1 tuổi rưỡi đến hơn 3 tuổi, thời gian xuất hiện và kéo dài của thời kỳ này ở mỗi đứa trẻ khác nhau.

10 chiêu giúp bạn cùng trẻ vượt qua 'nỗi sợ tuổi lên 2'

10 chiêu giúp bạn cùng trẻ thuận lợi vượt qua “nỗi sợ tuổi lên 2”

Tuyệt đối không thể dùng “bạo lực” để áp chế

Khi còn nhỏ, hầu như mọi nhu cầu của trẻ đều được đáp ứng và thỏa mãn. Tuy nhiên, khi lớn hơn và bắt đầu tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài, trẻ sẽ khó tránh rơi vào tình trạng gặp phải những chuyện không như ý muốn. Lúc này, biểu hiện dễ thấy nhất ở thời kỳ ngỗ nghịch chính là tranh giành để có được thứ trẻ muốn, và khi nguyện vọng không được thực hiện, trẻ có thể giận dữ, khóc quấy, ném đồ đạc v.v… để nhấn mạnh cái tôi và bộc lộ cảm xúc bất mãn.

Đứa trẻ nào cũng cần trải qua giai đoạn này để học được rằng thế giới không phải xoay quanh một mình trẻ và dần dần biết cách “chung sống hòa bình” với người khác hơn, đây là tiền đề giúp trẻ tương tác với xã hội sau này. Vì vậy, bất luận trẻ có thái độ thế nào, người lớn đều nên giữ bình tĩnh lắng nghe những bức xúc và mong muốn của trẻ, sau đó nên vỗ về, xoa dịu trạng thái kích động ở trẻ. Tuyệt đối không chỉ trích, quát mắng hay đánh đập vì sẽ khiến trẻ càng muốn khẳng định mình đúng và ngỗ nghịch hơn.

Hạn chế dùng mệnh lệnh khi tương tác với trẻ

Do thời kỳ này, ý thức cái tôi của trẻ phát triển, trẻ sẽ có rất nhiều chủ kiến của mình, chẳng hạn như không thích mặc bộ quần áo này, không muốn đặt búp bê ở trên kệ v.v… Rất nhiều bậc phụ huynh cảm thấy những hành vi kỳ lạ khác trước của trẻ chính là đang ngỗ nghịch với mình, bạn phán xét rằng trẻ cố ý chống đối với mình, vì vậy, người lớn thường thích dùng mệnh lệnh để khắc chế trẻ, kiểu như “Không được như thế”.

10 chiêu giúp bạn cùng trẻ vượt qua 'nỗi sợ tuổi lên 2'

Khi trẻ biết mình có quyền tự chủ riêng thì kiểu ra lệnh của bạn sẽ khiến trẻ cảm thấy bản thân không được tôn trọng, không được thừa nhận, từ đó trong lòng ấm ức khó chịu, dù trẻ miễn cưỡng nghe lệnh của bạn thì cũng sẽ tìm cách biểu hiện ngược lại bằng cách khác.

Cho trẻ sự tôn trọng thích đáng

Một vài vấn đề sinh hoạt cá nhân của trẻ, bố mẹ có thể để bé có quyền lựa chọn theo sở thích, chẳng hạn hôm nay ăn gì, mặc quần áo gì, bàn chải đánh răng màu gì mà trẻ thích v.v… Kỳ thực, những lựa chọn đơn giản này không ảnh hưởng gì đến mọi người trong gia đình mà còn khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng, được “có quyền” nhất định.

Yêu thương song song với quy tắc

Cho trẻ quyền lựa chọn không có nghĩa là thỏa hiệp một cách mù quáng. Tất cả tâm trạng phản kháng của trẻ thời kỳ này đều là để “thăm dò” tình yêu thương và giới hạn của bố mẹ. Vì vậy, trước những đòi hỏi vô lý, quá đáng và mang tính “ngỗ nghịch” của trẻ, bạn nên kiểm soát tốt tâm trạng và giữ bình tĩnh để phân tích cho trẻ hiểu, giúp trẻ xoa dịu cảm giác bị từ chối yêu cầu một cách nhẹ nhàng và cho trẻ biết vì sao phải tuân theo quy tắc mà không được nuông chiều quá mức.

10 chiêu giúp bạn cùng trẻ vượt qua 'nỗi sợ tuổi lên 2'

Khéo léo khen ngợi và khích lệ trẻ

Khi trẻ ở thời kỳ “nỗi sợ tuổi lên 2”, rất nhiều bố mẹ thường chỉ biết chỉ trích và trách mắng hành vi không tốt của trẻ, bên cạnh đó lại bỏ quên sự khen ngợi, cổ vũ khi trẻ làm tốt. Thực tế, trong giai đoạn muốn khẳng định cái tôi, trẻ càng cần nhận được sự thừa nhận và đánh giá cao từ bố mẹ.

Một khi trẻ có hành vi nào đó tích cực, hãy dành cho trẻ lời biểu dương, thậm chí là có phần thưởng thích đáng để giúp trẻ tiếp tục hành động tốt này về sau, phát huy những điều nên làm và giảm bớt đòi hỏi ngang ngược.

Đừng phàn nàn, chê trách trẻ trước mặt người khác

Không ai muốn bị chê trách trước mặt người khác, trẻ con cũng cần có tự trọng và thể diện, nhất là ở giai đoạn muốn được thừa nhận sự độc lập của mình. Khi bạn có lời nói hay hành động mang tính phàn nàn, trừng phạt trẻ trước mặt người thứ ba, lúc này trẻ vốn đang có tâm lý chống đối sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng, từ đó dễ hình thành khoảng cách với bố mẹ và ngày càng ngỗ nghịch hơn như một cách “phản công”.

Dẫn dắt trẻ thông qua sách vở

Những câu chuyện kể, những tranh ảnh mang tính giáo dục nhẹ nhàng với những bài học dễ hiểu sẽ giúp trẻ nhận thức đúng đắn hơn về diễn biến tâm lý của chính mình. Trước khi ngủ, bạn có thể kể chuyện hay đố vui, xem tranh cùng trẻ, ân cần đặt câu hỏi mang tính thăm dò thái độ ứng xử của trẻ đối với những gì vừa tiếp thu qua sách vở, từ đó dẫn dắt trẻ điều chỉnh tâm trạng và hành vi tích cực.

10 chiêu giúp bạn cùng trẻ vượt qua 'nỗi sợ tuổi lên 2'

Hướng dẫn trẻ biểu đạt tâm trạng xấu một cách tích cực

Ai cũng có lúc tâm trạng tiêu cực, trẻ con cũng thế và càng khó biểu đạt diễn biến tâm lý của mình cho người lớn biết. Vì vậy những lúc trẻ đang có tâm trạng tốt, bạn nên dành thời gian ở bên cạnh, nhỏ nhẹ hướng dẫn trẻ nhận thức được các trạng thái cảm xúc như vui buồn, tức giận, tủi thân v.v, sau đó có thể bảo với trẻ vài cách phát tiết tâm trạng tiêu cực đơn giản như ra vườn ngắm cây cỏ, đánh vào chiếc gối ôm hay vẽ nguệch ngoạc để giúp cơn giận lắng xuống.

Nhìn vấn đề ở lập trường của trẻ

Năng lực tư duy và nhận thức ở trẻ còn hạn chế và rất khác so với người lớn. Do đó, bố mẹ cần học cách đứng ở góc độ của trẻ để suy xét vấn đề. Đôi lúc với bạn là sai nhưng trong cách nghĩ của trẻ thì không như vậy. Đặc biệt ở giai đoạn “nỗi sợ tuổi lên 2”, trẻ có những tâm lý phức tạp hơn, đòi hỏi bạn phải “hóa thân” để có thể thấu hiểu trẻ và có hành vi ứng xử phù hợp.

Bố mẹ yêu thương nhau, gia đình hòa thuận là môi trường then chốt

Cách giáo dục trẻ tốt nhất chính là tấm gương từ bố mẹ. Những đứa trẻ sống trong gia đình luôn yêu thương và hòa thuận thì dễ có một tâm thái khỏe mạnh hơn. Đồng thời, trẻ được sống trong bầu không khí tích cực như thế sẽ có chỉ số EQ càng cao, cho dù đang trong giai đoạn ngỗ nghịch thì khả năng kiểm soát tâm trạng của trẻ cũng tốt hơn.

Thiện Duyên – Nguồn: sohu, qq, yinews

SHARE