Từ xưa đến nay, thịt lợn là thức ăn chủ yếu của người dân trên toàn thế giới. Trong các loại thịt gia súc hay gia cầm thì đa số mọi người vẫn thích ăn thịt lợn hơn cả.
Chúng ta nói rằng “toàn thân con lợn đều quý” cũng không sai. Bởi vì, bộ phận nào của lợn cũng có thể chế biến thành món ăn phục vụ cho con người.
Ví dụ như, từ thịt đầu lợn (gồm tai, mũi, lưỡi, não) đến thịt vai, thịt mông, thịt bụng, chân giò, thịt nạc, mỡ lợn, xương (xương sườn, xương sống, xương hom)…Đều có thể chế biến các món ăn như luộc, xào, rán, quay, hầm… Ngoài ra, bộ lòng lợn (gồm tim, gan, bầu dục, ruột non, ruột già) cũng đều có thể chế biến thành các món ăn.
Vậy thì câu hỏi đặt ra là trên toàn bộ con lợn có bộ phận nào không nên ăn và ăn bao nhiêu là cần thiết?
Trước tiên chúng ta tìm hiểu xem thịt lợn có liên quan đến ung thư?
Năm 2015, tổ chức y tế thế giới (WHO) đã thông báo, thịt đỏ (bao gồm thịt lợn, thịt bò, thịt dê) thuộc các chất gây ung thư nhóm 2A; Còn nếu là thịt đã qua chế biến (thịt giăm bông, thịt xông khói…) thì thuộc chất gây ung thư nhóm 1, đặc biệt nguy hiểm.
Điều này có nghĩa là căn cứ vào những bằng chứng nghiên cứu hiện có thì ăn thịt đỏ có thể là nguy cơ dẫn đến ung thư cho con người. Tuy nhiên, xin lưu ý cách dùng từ ở đây (có thể là nguy cơ) không có nghĩa độc tính, ăn vào là bị ung thư ngay.
Mà thực tế thịt đỏ lại là những thực phẩm quan trọng cung cấp dinh dưỡng thiết yếu cho chúng ta như protein, sắt, vitamin B12… Vì thế, trên một ý nghĩa nào đó thì chúng không thể thiếu được trong cuộc sống của chúng ta.
Cho nên, như nói đã ở trên thì thịt lợn, thịt bò, thịt dê là những loại thực phẩm khiến chúng ta phải cân nhắc khi sử dụng. Để đảm bảo an toàn và dinh dưỡng cho cơ thể, chúng ta nên tuân thủ chế độ ăn thịt lợn và các loại thịt đỏ theo quy tắc: Bình quân mỗi ngày chỉ nên ăn khoảng 50-70gr là đủ.
Ngoài ra, chúng ta còn có thể ăn các loại thịt trắng như thịt gia cầm gà, vịt, ngan, ngỗng hay ăn các loại cá, tôm…
Có nên ăn ruột lợn (lòng lợn) vốn là nơi chứa chất thải ra của con lợn, rất bẩn?
Lòng lợn là món khoái khẩu của nhiều người, đặc biệt là những quý ông thích “lai rai”. Ở Trung quốc hay Việt Nam nhiều nhà hàng có tiếng từ xưa đến nay chủ yếu bởi món lòng lợn được chế biến thành các món ăn đa dạng.
Chỉ có điều khi ăn món khoái khẩu này có thể chúng ta quên mất một điều rằng, lòng lợn (ruột già) là nơi chứa chất cặn bã của thức ăn sau tiêu hóa thải ra (mà ta gọi là phân).
Lòng lợn là nơi các vi sinh vật sinh sống nhiều hơn, chắc chắn sẽ tồn tại nhiều kí sinh trùng, nhiều vi khuẩn gây bệnh… Nghe đến đây, bạn thấy lòng lợn có bẩn không?
Tuy nhiên, nếu thích thú với món này thì chỉ cần bạn làm sạch thật kĩ, không còn bẩn nữa rồi nấu chín trong nhiệt độ làm chết hết các vi sinh vật là có thể yên tâm thưởng thức.
Gan lợn có phải là bộ phận nhiễm nhiều kim loại nặng?
Cơ thể người và lợn đều giống nhau. Đều có gan như một bộ máy giải độc và là nơi trung chuyển chất độc trong cơ thể. Khi các chất độc hại như kim loại nặng… xâm nhập vào cơ thể đều cần qua gan xử lí rồi đào thải ra.
Nếu là một con lợn bệnh, chức năng gan của nó sẽ kém đi. Hoặc khi lỡ ăn quá mức các chất có độc có hại, những chất độc hại đó sẽ tích tụ vào gan.
Nên khi chọn mua thực phẩm, mấu chốt là chọn những thực phẩm có thể tin tưởng được, mua thực phẩm đã qua kiểm dịch để không mua phải lợn bệnh, lợn chết. Và giống như thịt lợn, dùng gan lợn thay cho các loại thịt đỏ khác, một tháng chỉ nên ăn 1-2 lần, mỗi lần không quá 75gr, sẽ có tác dụng bổ sung sắt và huyết sắc tố.
Trong tiết lợn (máu lợn) có nhiều độc tố?
Trong những thực phẩm có tác dụng bổ sung sắt và bổ máu thì tiết lợn đứng đầu bảng lựa chọn. Chỉ cần con lợn khỏe mạnh, sản phẩm từ tiết được chế biến an toàn là có thể dùng được.
Nhưng nếu như bạn không cẩn thận mà mua phải lợn chết, lợn bệnh hoặc tiết lợn không còn tươi mới thì đó lại là một vấn đề khác.
Cholesterol trong não lợn có cao?
Vài năm trước đây, chúng ta được khuyến cáo rằng mỗi ngày lượng cholesterol hấp thụ vào cơ thể không được vượt quá 300mg.
Nhưng hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều thống nhất cho rằng bao nhiêu cholesterol trong thức ăn không ảnh hưởng lớn đến lượng cholestrerol trong cơ thể và bệnh tim mạch. Vì thế những khuyến cáo hạn chế đối với cholesterol đã bị hủy bỏ.
Qủa thật, so với các thực phẩm khác thì lượng cholesterol trong não lợn tương đối cao. Cứ 100gr não lợn thì có 2.571mg hàm lượng cholesterol. Trong khi 100gr cá chỉ có khoảng 230mg cholesterol và trong một lòng đỏ trứng cũng chỉ có khoảng 200mg cholesterol.
Để đảm bảo sức khỏe, tốt nhất là không nên ăn mỡ động vật quá nhiều mới là quan trọng, chứ không phải là chỉ quan tâm xem bao nhiêu cholesterol. Và nếu thích ăn não lợn, mỗi tháng chỉ nên dùng 2-3 lần, mỗi lần ăn khoảng 50gr, thì không vấn đề gì.
Phổi lợn có nhiều bụi bẩn?
Chúng ta thường nghe nói rằng không nên ăn phổi lợn vì phổi lợn tập trung rất nhiều bụi do phổi là nơi trao đổi thể khí, thu thập nhiều bụi từ trong không khí. Ngoài ra, lợn lại có đặc tính hay dũi đất, khiến phổi hít vào càng nhiều bụi hơn. Để hiểu rõ vấn đề này, trước tiên chúng ta nói về con người.
Có thể chúng ta đã nghe đến một thứ bệnh gọi là ” bệnh bụi phổi”. Loại bệnh này cho đến nay mới chỉ phát hiện trên cơ thể người. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhân có thời gian dài làm việc nơi có nhiều bụi bặm, thường xuyên hít vào nhiều bụi dẫn đến lá phổi tích lũy bụi dưới nhánh khí quản.
Còn lợn, cho dù đặc tính của chúng là thích dũi đất, dũi rau cỏ hay những thứ quanh nó. Nhưng cũng không vì thế mà khiến cho chúng hít đất vào trong cơ thể. Hơn nữa, chúng không thể sống ở nơi quá nhiều bụi. Nói chung người chăn nuôi nào cũng chỉ mong chăm sóc cho nó luôn béo tốt, chóng lớn để sớm xuất chuồng.
Theo Trí Thức Trẻ