Khi sự thay đổi là tất yếu, thay vì “dìm” đối thủ, cách tốt nhất là hãy tự mình tiến lên.
Thay đổi là xu hướng tất yếu của thị trường
Năm 1997, một vị khách du lịch đến Hà Nội, trên tay anh ấy là tấm bản đồ hướng dẫn cách đi đến các địa điểm trong thành phố.
Năm 2017, vẫn vị khách cũ nhưng thay vì mang theo tấm bản đồ như 20 năm trước, người đàn ông rút smartphone ra, mở ứng dụng Google Maps và rất nhanh sau đó biết được nơi mình cần đến.
Với sự phát triển của công nghệ cùng sự phổ biến của smartphone, dịch vụ bản đồ số ra đời đã thay đổi cách con người tìm đường trong thời đại mới. Nhưng cùng với sự thuận tiện, nó cũng khiến số khách hàng mua bản đồ giấy ít đi, ảnh hưởng đến cuộc sống của một số người khác.
Đó cũng chính là quy luật của thị trường – mỗi ngày trên thế giới đều có rất nhiều thứ mới ra đời và sẵn sàng “giết chết” những điều cũ, lạc hậu.
Nếu không tiến ắt phải lùi
Đã có một thời nhắc đến điện thoại người ta sẽ nghĩ ngay đến Nokia. Ở thời kỳ hoàng kim, thương hiệu di động Phần Lan “phủ sóng” gần như mọi phân khúc, từ giá rẻ cho đến bình dân và cao cấp. Thế nhưng, trong khi các đối thủ liên tục tung ra những kiểu dáng mới và cập nhật hệ điều hành để đem lại cho người dùng những trải nghiệm tốt hơn thì Nokia vẫn cứ dậm chân tại chỗ. Sự chậm trễ thay đổi đã khiến Nokia – từ vị thế của ông lớn số 1 của thị trường di động phải ngậm ngùi “bán mình” cho Microsoft.
Sharp – thương hiệu vang bóng một thời của Nhật Bản cũng bị Foxconn thâu tóm sau nhiều năm vật lộn với nợ nần và thua lỗ. Từng là một trong những công ty điện tử tiêu dùng thống trị thị trường kinh doanh TV, nhưng giống như nhiều doanh nghiệp khác của Nhật Bản, Sharp không nhanh nhạy trong việc nắm bắt những xu hướng công nghệ mới và dần bị các đối thủ nước ngoài như Samsung hay LG bỏ lại phía sau.
“Hãy thay đổi tất cả, trừ vợ và con bạn” là câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee sau khi kế thừa doanh nghiệp từ người cha Lee Byung-chul vào năm 1987. Đây cũng chính là triết lý kinh doanh giúp tập đoàn này vượt qua nhiều sóng gió và lần lượt đánh bại các đối thủ sừng sỏ.
Bài học từ Apple
Trong thế giới luôn biến động, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể nhận kết cục tương tự Nokia và Sharp nếu không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hãy nhìn vào công thức để Apple trở thành công ty giá trị nhất thế giới hiện nay: chắc chắn không thể thiếu sự sáng tạo và đổi mới.
Trước khi iPhone ra đời, máy nghe nhạc iPod từng chiếm gần một nửa doanh thu toàn bộ sản phẩm của Apple. Người ta ước tính tại Mỹ, cứ 9/10 máy MP3 dung lượng lớn bán ra là thiết bị của “Táo khuyết. iPod tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới, những thuật ngữ và hình ảnh liên quan đến sản phẩm này cũng có mặt ở khắp mọi nơi.
Dù vậy, thay vì ngủ quên trên chiến thắng, Steve Jobs khi đó đã dự đoán iPod sớm muộn gì cũng bị khai tử. Chính vì vậy ông và đội ngũ đã không ngừng nỗ lực để tạo ra một thiết bị mới có thể thay thế iPod trở thành “trụ cột” chính của công ty. Và đó chính là lý do iPhone – một thiết bị “3 trong 1” (vừa là điện thoại, vừa có thể sử dụng như iPod lại có thể kết nối Internet) ra đời. Đúng như dự đoán của Steve Jobs, sự xuất hiện của iPhone khiến iPod dần chìm vào quên lãng. Đến nay iPhone được coi như mỏ vàng của Apple với 1,2 tỷ chiếc được bán ra tính đến tháng 6/2017.
Uber, Grab và câu chuyện Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0
Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2014, Uber và Grab đã thay đổi thói quen sử dụng taxi của người Việt. Chỉ cần có trong tay một chiếc điện thoại thông minh, người dùng dễ dàng kết nối được với người lái và biết trước giá cước của chuyến đi. Bên cạnh sự tiện lớn, Uber và Grab cũng “được lòng” khách hàng nhờ xe đẹp, tài xế thân thiện, không chê “cuốc” ngắn dài và đặc biệt là thường xuyên khuyến mại.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của Uber và Grab lại trở thành mối đe dọa với các hãng taxi truyền thống. Khách hàng quay lưng khiến không ít hãng rơi vào tình trạng thua lỗ, phải sa thải bớt nhân viên.
Những ngày qua, việc một số tài xế của Vinasun dán khẩu hiệu phản đối Uber và Grab nhận được những tranh cãi trái chiều. Bên cạnh một số ý kiến tỏ ra cảm thông với hành động này, phần đông vẫn cho rằng đây là cách làm phản cảm, làm xấu hình ảnh của công ty và giúp quảng cáo cho đối thủ.
“Khi một mô hình mới đến chúng ta sẽ chọn chống lại hay theo đuổi nó để xây dựng mô hình phù hợp hơn cho tương lai?”. Đó là câu hỏi mà Lương Duy Hoài, đồng sáng lập Giao hàng nhanh (GHN) đã đặt ra trong sự kiện do Forbes tổ chức.
Đây cũng là câu hỏi chung đối với mọi doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Khi sự thay đổi là tất yếu, thay vì “dìm” đối thủ, cách tốt nhất là hãy tự mình tiến lên. Giống như Jeff Bezos, CEO Amazon từng nói, “Nếu bạn quá tập trung vào việc cạnh tranh, bạn phải đợi cho đến khi đối thủ của mình làm một điều gì đó. Khi bạn tập trung vào khách hàng, bạn sẽ có nhiều cơ hội trở thành người tiên phong hơn.”.
Trên thực tế, thời gian qua các hãng taxi truyền thống đã bắt đầu có những thay đổi tích cực trong việc ứng dụng công nghệ cũng như phong cách quản lý. Cạnh tranh có thể giết chết doanh nghiệp nhưng cũng có thể làm doanh nghiệp tốt lên. Khi cả taxi truyền thống và công nghệ đều làm tốt công việc của mình, người tiêu dùng sẽ tự biết lựa chọn dịch vụ nào phù hợp nhất với họ.
Theo ndh