Các hoạt động vui chơi kiểu xây dựng và đập phá là một phần quan trọng trong việc phát triển các kỹ năng tư duy và vận động quan trọng. Tuy nhiên, sân chơi truyền thống khiến trẻ không có nhiều thứ để chế tạo hay đập phá.
Đã lâu lắm rồi con mới vui như thế khi được chơi tự do
Một vài tuần trước, tôi cùng cậu con trai Tristan 10 tuổi chế tạo một chiếc xe mô hình bằng gỗ. Thằng bé muốn sơn chiếc xe, vì thế vợ tôi đưa cho bé hai màu sơn phun. 30 phút sau, can sơn thì trống rỗng, nửa chân thằng bé bị màu xanh bao phủ và nó hào hứng hỏi liệu chúng tôi có thể cho thêm sơn hay không.
Sau đó, tôi kiểm tra thì phát hiện ra Tristan đã sơn bãi cỏ sau nhà như sân bóng đá, sơn vài cây gậy, thùng các-tông, cây đào và cả chiếc xe mô hình nữa. Đã lâu lắm rồi tôi mới thấy Tristan vui vẻ như thế mà không cần một chiếc iPad.
Thằng bé đã “tự tay” sơn rất nhiều thứ ở sân sau (Ảnh minh họa).
Sự việc này gợi nhắc lại tuổi thơ của tôi ở miền trung bang Utah. Hầu hết thời gian đó tôi rất tự do. Tôi lang thang quanh nhà kho và đi dọc theo những cánh đồng mà gần như chẳng bị cha mẹ giám sát. Tôi có đồ chơi chứ, chắc chắn rồi. Nhưng chẳng thứ nào trong số đó “ngầu” như vật liệu xây hàng rào và thiết bị làm nông bị hỏng của ông tôi.
Nhưng đó là hồi những năm 1980. Bây giờ, nếu tôi cho phép cậu con trai 10 tuổi đi lại tự do như thế, thể nào cũng bị đánh giá là bỏ mặc con cái.
Tuy nhiên, tôi đã học được rất nhiều từ việc tìm thấy đồ bỏ đi trong trang trại của ông, xếp đặt chúng thành thứ gì đó và đặt cho chúng một cái tên. Tôi dùng trí tưởng tượng của bản thân. Tôi không cần các thiết bị công nghệ thông minh hay người lớn để có thời gian vui vẻ.
Nhưng các con tôi không được tiếp xúc với những trò khám phá đó. Chúng tôi sống ở ngoại ô, sân chơi của ngôi nhà rất nhỏ và bọn trẻ cũng bị phân tâm bởi rất nhiều yếu tố.
Tôi quả thực rất ngạc nhiên. Tôi vẫn đinh ninh rằng thằng bé sẽ chơi một trò chơi điện tử về một đứa trẻ sơn đồ vật ở sân sau hoặc có thể xem một đoạn video trên YouTube về ai đó làm công việc sơn vẽ, thay vì tự tay sơn đồ vật nào đó ở sân sau.
Sân chơi trông gần giống bãi chứa rác thải thực sự, nơi trẻ nhỏ có cơ hội chế tạo, đập phá và sử dụng công cụ (Ảnh minh họa).
Xã hội công nghệ khiến nhiều phụ huynh cũng phải đối mặt với việc đẩy xa trẻ nhỏ ra khỏi những công cuộc tìm tòi, khám phá.
Chình vì vậy, thời gian gần đây số lượng sân chơi thám hiểm dành cho trẻ nhỏ đã tăng lên nhanh chóng. Đó là những sân chơi trông gần giống bãi chứa rác thải thực sự, nơi trẻ nhỏ có cơ hội chế tạo, đập phá và sử dụng công cụ và quan trọng nhất, là được vui vẻ mà không bị cha mẹ giám sát.
Cha mẹ được phép theo dõi trẻ từ xa. Nhưng họ không nên can thiệp vào hoạt động của trẻ.
Hãng tin CBS mới đây đã đưa tin về sân chơi NYC trên đảo Governors (New York). Ở đó, “trẻ được vui chơi trong một khu vực tự do mà không cần cha mẹ quản thúc, hòa giải hay bảo vệ thái quá. Nhân viên ở sân chơi thám hiểm đóng vai trò như những “thần hộ mệnh”, theo dõi mọi tai nạn nguy hiểm mà không can thiệp vào các hoạt động của trẻ.”
Các bậc phụ huynh được phép ngồi ngoài hàng rào và theo dõi trẻ từ xa, nơi đặt một biển báo có dòng chữ: “Người lớn ngồi xuống và thư giãn.”
Play:groundNYC là sân chơi dành cho trẻ được thiết kế như một bãi chứa đồ rác thải.
Play:groundNYC có đầy những lốp xe cũ, hàng rào gỗ, những con thuyền cũ kỹ, lõi dây cáp, búa và hàng triệu mẩu gỗ thừa. Nó dễ dàng bị nhầm lẫn thành một bãi rác của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, loại hình vui chơi tự do này mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sự phát triển của trẻ.
Roger Hart, giáo sư tâm lý học môi trường của Trung tâm Graduate thuộc trường Đại học Thành phố New York chia sẻ với CBS rằng: “Sân chơi kiểu này rất có ích cho trẻ. Các khía cạnh về phát triển trí tuệ, phát triển xã hội, phát triển cảm xúc và phát triển thể chất chỉ được hiểu rõ ràng nhất khi trẻ vui chơi đúng nghĩa. Vui chơi là thước đo của sức khỏe… Đó là nơi trẻ kiến tạo nên thế giới của bản thân và học cách thấu hiểu bản thân. Các hoạt động vui chơi kiểu xây dựng và đập phá là một phần quan trọng trong việc phát triển các kỹ năng tư duy và vận động quan trọng. Tuy nhiên, sân chơi truyền thống chứa nhiều “thiết bị cố định” khiến trẻ không có nhiều thứ để chế tạo hay đập phá.”
Tôi nhớ lại khoảng thời gian tôi mua cho con trai thứ đồ chơi phát sáng tạo ra âm thanh đắt đỏ khi thằng bé còn nhỏ và nhận ra thằng bé chỉ chơi với cái hộp. Chúng ta cần bàn về việc để một đứa trẻ chơi với đồ bỏ đi, tự do khám phá, tự chơi ở sân sau với sơn phun và xem điều gì sẽ xảy ra. Kiểu vui chơi này cho trẻ cơ hội chế tạo, đập phá và dùng trí tưởng tượng theo lẽ thường nhưng lại bị khước từ trong thời đại ngày nay trên danh nghĩa để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho trẻ.
Kiểu vui chơi này cho trẻ cơ hội chế tạo, đập phá và dùng trí tưởng tượng (Ảnh minh họa).
Điều này có nghĩa chúng ta phải buông tay ra một chút, ngay cả khi có vẻ khá đáng sợ và cho phép bọn trẻ đến với thế giới bên ngoài, làm đầu gối bị xước, bị vụn đá cắm vào da và vấy bẩn. Rõ ràng là kiểu vui chơi này có rất nhiều lợi ích. Hãy đẩy bọn trẻ ra sân chơi kiểu bãi rác, đó có thể là cách tốt nhất để trẻ tiếp xúc là làm quen.
Tôi biết kiểu vui chơi này có vẻ đáng sợ với nhiều phụ huynh hoặc ít nhất đó là cảm giác của tôi. Như thể chúng ta thất bại vì không dành mọi thời khắc bên trẻ để đảm bảo trẻ được an toàn và vui vẻ. Nhưng lợi ích của nó thì chẳng thể phủ nhận. Trẻ sẽ nhận được rất nhiều thứ khi bị đau, khi khiến bản thân vui vẻ, khi phủi bụi khỏi quần áo và khi vui chơi.
Nguồn: afamily.vn