Sài Gòn thí điểm mở làn đường riêng cho xe buýt

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã chọn thí điểm làn đường dành riêng cho xe buýt trên hai tuyến đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu nhằm tăng tốc độ lưu thông, giúp xe chạy đúng giờ, thu hút người dân sử dụng xe buýt.

Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM vừa cho biết, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã chọn thí điểm làn đường dành riêng cho xe buýt trên hai tuyến đường: Điện Biên Phủ (từ vòng xoay Lý Thái Tổ, quận 10 đến chân cầu Sài Gòn, quận 2) và Võ Thị Sáu (từ vòng xoay Dân Chủ, quận 3 đến Đinh Tiên Hoàng, quận 1) nhằm tăng tốc độ lưu thông, giúp xe chạy đúng giờ, thu hút người dân sử dụng xe buýt.

Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM cho biết nếu tổ chức thí điểm thành công thì tiếp tục nghiên cứu triển khai làn dành riêng cho xe buýt trên đường Trường Chinh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi, Xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng…

Nói về việc thí điểm này, một số chuyên gia giao thông cho rằng các nước tiên tiến có làn dành riêng cho xe buýt để khuyến khích người dân bỏ xe cá nhân, sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.

Chưa có làn đường dành riêng, xe buýt bị các phương tiện giao thông “bao vây”

Trong tương lai, TPHCM cần nghiên cứu áp dụng. Tuy nhiên, việc triển khai đồng loạt tại thời điểm này chưa phù hợp do tỷ lệ diện tích dành cho giao thông ở TPHCM và Việt Nam nói chung thấp hơn nhiều so với các nước. Đó là chưa nói đặc trưng của TPHCM, đường hầu hết có chiều rộng dưới 8m. Nếu nóng vội bóp đường để mở làn dành riêng cho xe buýt rất dễ trả giá.

Ghi nhận thực tế vào 17h ngày 23/3, đường Điện Biên Phủ, đoạn từ giao lộ Trương Định đến giao lộ Hai Bà Trưng đông nghẹt. Xe từ các hướng đổ dồn về tuyến đường huyết mạch này để ra cửa ngõ phía Đông TPHCM.

Các phương tiện lưu thông hỗn loạn. Nhiều xe máy len lỏi, cố cúp đầu xe ô tô để thoát khỏi đám đông. Ô tô ken dày đặc trên làn xe hai bánh và nối đuôi vắt qua nhiều ngã tư, cản trở lưu thông của các phương tiện trên tuyến đường Pasteurs, Phạm Ngọc Thạch… gây kẹt xe dây chuyền trong khu vực.

Chỉ chiếc xe buýt to kềnh càng đang cố rẽ từ đường Điện Biên Phủ sang đường Hai Bà Trưng, ông Thu (47 tuổi) lắc đầu: “Mỗi khi ô tô rẽ sang đường khác, do tốc độ lưu thông chậm, các ô tô phía sau chưa kịp qua hết ngã tư thì đèn bật đỏ nên dồn ứ lại, vắt qua ngã tư Phạm Ngọc Thạch, Pasteurs gây kẹt xe.

“Tuyến đường này kẹt xe thường xuyên chứ không chỉ trong giờ cao điểm vì phương tiện quá đông. Nếu mấy “bóp” lại để làm làn ưu tiên cho xe buýt thì tình trạng kẹt xe sẽ còn nghiêm trọng hơn vì đường chật”.

Tránh vết xe đổ

Còn nhớ tháng 9/2003, TPHCM từng thực hiện đề án thử nghiệm cải thiện môi trường hoạt động của xe buýt trên tuyến điểm Sài Gòn- Bình Tây. Kế hoạch phân luồng ưu tiên xe buýt do Bộ Giao thông Vận tải phối hợp Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản thực hiện.

Theo đó, đường Trần Hưng Đạo đoạn từ Calmette đến Nguyễn Tri Phương được bố trí 2 làn ưu tiên cho xe buýt cập sát lề đường thay vì chạy vào làn ô tô giữa đường như trước đây. Đoạn đường một chiều từ Nguyễn Tri Phương đến Châu Văn Liêm cũng được thực hiện làn ưu tiên cập sát lề phải. Trên đoạn đường này, một làn dành riêng cho xe buýt sẽ được hình thành theo chiều ngược lại từ chợ Bình Tây về Bến Thành.

Ngoài ra, Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng mở 2 điểm giữ xe hai bánh miễn phí tại các điểm đầu bến và mở một tuyến xe buýt vòng tròn khu trung tâm để tăng thêm lượng khách.

Tuy nhiên, đề án này không thành công vì làn ưu tiên cho xe buýt lưu thông rất lộn xộn. Do mật độ xe 2 bánh gắn máy dày đặc và ý thức người dân chưa cao nên xe máy tràn vào làn ưu tiên “bao vây” xe buýt,

Một nguyên nhân khác khiến cho làn ưu tiên không phát huy tác dụng là việc các phương tiện giao thông không chấp hành nghiêm chỉnh việc cấm dừng đậu trên suốt tuyến đường.

Do quá nhiều bất cập, cuối cùng, tuyến đường dành riêng này đã bị “xóa sổ”. Và kế hoạch triển khai làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến đường khác như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Kiệm… vào thời điểm đó, cũng ngưng thực hiện.

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP, từ năm 2013 đến nay khối lượng vận chuyển xe buýt có xu hướng giảm. Năm 2013 là 411 triệu lượt, năm 2014 là 367 triệu lượt và 2015 là 334,5 triệu lượt. Trong khi đó, trung bình mỗi năm ngân sách thành phố phải chi hơn 1.000 tỷ đồng trợ giá xe buýt.

Theo Huy Thịnh (Tiền Phong)

SHARE