Tôi không chắc rằng theo đuổi đam mê sẽ thành công, nhưng tôi tin chắc nếu không đam mê thành công sẽ không bao giờ gõ cửa.
Vào năm lớp mười một, tôi mới bắt đầu tìm kiếm ước mơ. Chỉ có ước mơ mới tạo động lực cho chúng ta hành động và kiên trì vượt qua mọi khó khăn, đi đến tận cùng con đường mình đã chọn. Chỉ năm sau thôi, tôi sẽ thi đại học. Nếu tôi không mau chóng tìm ra ước mơ của mình, có thể tôi sẽ chọn sai ngành khi bước ngoặt cuộc đời đã kề cận, sẽ phải làm việc mình không yêu thích, và như thế thì tôi đã sống phí một đời. Thử nhìn những người giàu có nhất thế giới mà xem, Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerburg,…họ đều là những người có ước mơ và dám theo đuổi ước mơ từ khi còn rất nhỏ tuổi. Vì vậy, ở tuổi mười bảy, chưa tìm được niềm đam mê để theo đuổi đối với tôi như một thất bại. Tôi phải nhanh chóng giàu có, phải thành đạt sớm để bố mẹ tôi đỡ khổ, để tôi có thể đi vòng quanh thế giới như tôi hằng mong muốn. Cuộc đời ngắn lắm, nếu còn chậm trễ tôi sẽ chẳng làm được gì đáng kể. Tôi đã nghĩ như thế, và tôi rơi vào trạng thái khủng hoảng. Vì sao ư? Vì tôi quá khao khát thành công, vì chuyện học hành của tôi dở tệ, vì tôi đang sống chẳng có mục đích gì. Tôi thường lãng phí thời gian vào những cuộc chơi vô bổ, đắm chìm vào những suy nghĩ tiêu cực ăn mòn ý chí của bản thân, tôi thậm chí còn chẳng muốn thi đại học nữa, mặc kệ mọi thứ. Và chính trong giai đoạn khó khăn ấy, tôi đã nghiệm ra rất nhiều bài học về thành công và đam mê cho bản thân mình.
Đam mê là một dạng của mục đích sống. Phải có mục tiêu theo đuổi chúng ta mới có động lực để hành động. Có rất nhiều người không hiểu vì sao mình không thể duy trì được một hành động nào đó để có thể đạt kết quả như mong muốn. Đó chính là vì họ chưa có mục tiêu rõ ràng. Tôi từng là một học sinh viết rất nhiều tờ thời gian biểu nhưng chưa một lần tôi thực hiện đúng như những gì mình đã viết, thảng có thực hiện thì tôi cũng chẳng duy trì được quá ba ngày. Tôi thường nguỵ biện để thuyết phục bản thân mình trì hoãn công việc cần làm,thay vào đó là sự lãng phí thời gian vào một việc vô bổ chẳng ích gì. Bằng cách nào đó, tôi luôn đưa ra lí do chính đáng để thuyết phục mình không thực hiện đúng như những gì mình đã viết. Vì vậy, thất bại liên tiếp hết lần này đến lần khác. Khi tôi học lớp mười một, tình trạng học tập của tôi trở nên cực kì thậm tệ. Tôi là một trong số những học sinh kém nhất lớp, phải chịu rất nhiều áp lực. Tôi rơi vào trạng thái buồn bã, lo lắng, thường bị điểm kém, thường bị chế giễu, bạn bè ít ai muốn lại gần. Nhìn các bạn cùng lớp được khen thưởng khi tham gia các kì thi chọn học sinh giỏi khiến tôi tủi thân vô cùng. Tôi muốn có tiền thưởng như họ. Vậy là tôi đăng kí tham gia đội tuyển. Hơn một tháng trước kì thi, tôi viết cho mình kế hoạch mỗi ngày làm một đề, tự học bốn giờ đồng hồ. Vì không thức được muộn và khả năng tập trung không lâu nên tôi quyết định thức dậy vào lúc bốn giờ sáng. Tôi biết có rất nhiều bạn đặt mục tiêu buổi sáng dậy sớm để học nhưng cuối cùng các bạn vẫn bị quyến rũ bởi giấc ngủ ngon và tấm chăn ấm nên chẳng mấy ai làm được. Chính tôi cũng đã từng như thế, nhưng thật may bây giờ thức dậy vào bốn giờ sáng đã trở thành một thói quen. Khi chuông báo vang lên, tôi không còn đắn đo mà bật dậy vào vị-trí-chiến-lược ngay, ấy là cái bàn học. Vì sao từ một người bất quy tắc lại nhanh chóng trở thành có quy tắc đến vậy ư? Chỉ đơn giản vì tôi muốn đoạt giải trong kì thi sắp tới. Có thể lí do của tôi hơi thực dụng, là thi đỗ để có tiền, để không ngại mặt với bạn bè,nhưng dù sao đó cũng là một mục đích giúp tôi chiến thắng kẻ lười biếng giỏi nguỵ biện trong mình. Thật ra kì thi đó tôi không thực hiện được mong muốn đạt giải nhất của mình nhưng tôi đã chiến thắng bản thân, tạo lập được một thói quen tốt và đó là lần đầu tiên tôi thực hiện trọn vẹn bản kế hoạch ôn thi của mình. Khi vượt qua khó khăn, dù thành công hay thất bại, điều quý giá nhất mà chúng ta nhận được chính là những thói quen tốt và một ý chí kiên trì bền bỉ giúp ích cho những cuộc chiến sau này.
Bài học thứ hai mà tôi nhận được chính là một sự thật khá phũ phàng: luôn có ai đó thực hiện việc bạn khao khát tốt hơn bạn dù họ chẳng có niềm yêu thích nhiều như bạn. Một cô bạn thân của tôi, có ước mơ trở thành bác sĩ giỏi. Có lẽ vì vậy mà bạn ấy rất hứng thú với môn Sinh học. Bạn ấy mong muốn trở thành học sinh giỏi Sinh học nhất lớp, ít nhất thì điều ấy sẽ giúp cô nàng tự tin hơn để theo đuổi ước mơ của mình. Tôi nghĩ trong lớp tôi chẳng ai chăm chỉ học Sinh, đọc nhiều và làm bài tập Sinh học nhiều như bạn ấy, cũng chẳng ai đam mê yêu thích môn học này bằng cô bạn. Nhưng một điều tệ hại là bạn ấy chưa bao giờ là người có điểm kiểm tra Sinh cao nhất lớp, cũng chưa một lần đạt giải cao trong các kì thi chọn học sinh giỏi. Ấy vậy mà một vài bạn khác, tôi biết, và chính họ cũng tự nhận là họ chẳng thích thú gì với môn học này, thậm chí còn ghét nó vì có một đống lí thuyết khó nhằn, thế mà các bạn ấy lại là người học giỏi về bộ môn này. Nghe thật phũ phàng nhưng đó là sự thật. Không phải lúc nào có đam mê cũng thành công, không phải lúc nào nỗ lực của bạn cũng được đền đáp xứng đáng. Và những lúc như thế, chúng ta không thể tránh khỏi một chữ: NẢN, thậm chí là suy nghĩ muốn bỏ cuộc. Nhưng từ bỏ đam mê thì sao, chúng ta biết chọn con đường nào tiếp theo đây? Tôi biết có những bạn rất giỏi, bạn làm tốt rất nhiều việc, bạn có nhiều con đường để đi đến nỗi bạn phải chọn lựa xem thế nào thì tốt nhất cho mình. Tôi chỉ muốn nói với bạn rằng, con đường tốt nhất là con đường mà bạn đam mê. Có thể bạn cảm thấy mình không có khả năng làm công việc bạn ưa thích, có thể bạn thấy việc này việc kia bạn không yêu lắm nhưng bạn làm tốt hơn và có khả năng thành công cao hơn. Nhưng bạn biết đấy, chẳng có con đường nào trải đầy hoa hồng. Càng đi sâu vào một ngành nghề,mọi thứ sẽ càng khó khăn hơn. Nếu bạn muốn thành công, bạn phải vượt qua khó khăn. Để làm được điều đó, chỉ có niềm đam mê và khao khát chinh phục đỉnh cao mới giúp được bạn. Và, làm sao mà bạn đủ kiên trì với công việc mình không quá yêu thích? Giống như việc bạn chẳng bao giờ cố gắng nghĩ ra chuyện gì để nói với người mà bạn không thích vậy.
Bạn đã xem bộ phim “Ghét thì yêu thôi” chưa nhỉ? Thật ra có rất nhiều thứ ban đầu bạn không thể yêu thương nổi nhưng sau khi gắn bó với nó một thời gian, bạn bắt đầu có hứng thú với nó và sau đó chuyển thành “yêu say đắm”. Điều này có thể được lí giải đơn giản rằng, khi chúng ta gắn bó với thứ gì đó trong một khoảng thời gian đủ dài, chúng ta sẽ hiểu nó hơn, sẽ nhận ra những điểm đáng yêu mà trước đây mình chưa phát hiện ra,hoặc đơn giản chỉ là gặp nhiều thành thói quen, trở thành thân thuộc, thế là gây yêu thương vậy thôi. Có những niềm đam mê đến một cách rất bất ngờ như thế, và khi nó đến rồi thì chúng ta đón nhận thôi. Đừng ngại ngùng và nghi ngờ. Hãy tin vào hai chữ “duyên” và “nghiệp” nhé!
Có một trường hợp tệ hại mà tôi thường nghĩ đến, và tôi cũng nghĩ đến những hướng giải quyết êm đẹp, ấy là khi chúng ta đã ngồi trên ghế giảng đường rồi, thậm chí là có một công việc ổn định sau những tháng năm dài học tập, chúng ta mới tìm ra đam mê thật sự của mình. Nghe có vẻ tệ hại thật. Đường đi nước bước của cuộc đời dường như đã sắp đặt ổn thoả rồi, vậy mà đùng một cái “có biến”. Giờ phải làm sao đây? “Chọn con tim hay là nghe lí trí”? Khi xung quanh chúng ta có những ràng buộc về kinh tế, về các mối quan hệ, về sự an toàn của hiện tại và tương lai, về cả tuổi tác, sức khoẻ và thời gian, việc từ bỏ hiện tại để theo đuổi đam mê quả là một sự mạo hiểm. Nhưng mạo hiểm thì sao, có khả năng mất tất cả thì sao? Đến cuối cùng, cuộc đời chúng ta đều sẽ phải kết thúc. Đến cuối cùng, chẳng còn gì ý nghĩa bằng những trải nghiệm của cuộc đời. Đến cuối cùng, danh vọng, tiền tài, sự ổn định chẳng đáng giá bằng tháng ngày sống hết mình với đam mê sao? Khó khăn đấy, mệt đấy, có những ngày mưa tuyệt vọng và chán nản đấy, nhưng ý nghĩa và đáng giá lắm. Chẳng lẽ sống một cuộc đời nhàn nhã bình ổn khiến người ta vui vẻ hơn ý chí vượt qua khó khăn,vượt qua bản thân mình sao? Phải nhớ rằng, mọi nỗ lực đều dược đền đáp. Bạn có biết vì sao những bộ phim luôn kết thúc có hậu không? Vì chưa tốt đẹp chưa phải kết thúc. Lạc quan một chút, tin vào bản thân hơn, kiên trì bền bỉ, tôi chắc rằng chúng ta sẽ nhận được những điều tốt đẹp. Có thể điều tốt đẹp không đến theo cách chúng ta mong muốn, nhưng vẫn là một điều tuyệt vời với chúng ta. Tôi đã từng có mong muốn viết một truyện ngắn thật hay để được chọn đăng trên tờ báo “Hoa học trò” danh tiếng. Tôi viết rất nhiều, sửa rất kĩ, chăm chỉ và nỗ lực, nhưng bài của tôi chưa bao giờ được chọn đăng. Tôi đã gửi những tác phẩm của mình cho một tờ báo khác ít khắt khe hơn. Không những được chọn đăng mà tôi còn có cơ hội gặp những tác giả khác để học tập và trao đổi kinh nghiệm, đó thật sự là một trải nghiệm tuyệt vời mà tôi không thể nào quên trong đời mình. Nhờ đó, tôi nhận ra rằng mọi thứ có thể không đến theo cách mình muốn, nhưng chỉ cần chúng ta không ngừng nỗ lực, không ngừng thay đổi bản thân ngày một tốt hơn thì chắc chắn điều tốt đẹp sẽ tới. Tôi biết bạn có lí lẽ của riêng mình, bạn có sự lựa chọn của riêng mình, chẳng có đúng sai ở đây, chẳng có chữ “nếu” nào hết. Khi một chuyện thay đổi sẽ kéo theo hàng loạt chuyện khác thay đổi. Sự lựa chọn của chúng ta là một mắt xích trong một chuỗi các sự kiện liên quan đến chúng ta. Dù thế nào cũng đừng tiếc nuối, đừng nói đến “giá như”, vì bạn chẳng biết khi bạn đạt được thứ gì đó mà hiện tại bạn không có thì bạn sẽ mất đi thứ gì mà bạn đang có. Thành thật với bản thân về điều bạn mong muốn sẽ giúp bạn có quyết định sáng suốt hơn đấy!
Khi tôi đọc được câu “Đam mê là một người hầu tốt và là một ông chủ tồi”, tôi nghĩ ngay tới một anh hơn tôi năm tuổi. Tôi không chắc tôi hiểu đúng ý người nói câu này lắm, nhưng tôi nghĩ rằng đôi khi đam mê kìm hãm chúng ta. Khi tôi học lớp mười hai, lớp học thêm của tôi xuất hiện một anh học sinh hơn chúng tôi năm tuổi. Anh ấy thi lại đại học lần thứ ba. Chắc hẳn anh ấy có đam mê lớn lắm với nghề cảnh sát hình sự nên mới kiên trì đến thế. Tôi và bạn, chẳng thể đánh giá được sự lựa chọn của anh ấy, và của cả những người như anh ấy. Nhưng có những điều được coi là kiên trì, và cũng có những điều được coi là cố chấp. Nếu thành công, sự theo đuổi của chúng ta được gọi là kiên trì, nếu thất bại, đó là sự cố chấp. Phải thật sáng suốt mới có thể phân định được hai điều này khi chúng ta đang theo đuổi đam mê. Nhưng có một điều tôi muốn nói với bạn, và với cả chính tôi rằng có nhiều cách khác nhau để thực hiện ước mơ. Giống như một bài toán, người này giải cách này, người kia giải cách kia, cuối cùng vẫn là ra một đáp số. Có những con đường phù hợp với người ta, có những con đường khác phù hợp với mình hơn. Nếu đi theo người ta không được, hãy đi theo cách của mình. Đừng vì người ta làm được, mình không làm được mà vội bỏ cuộc. Cũng đừng cố chấp đi mãi một con đường. Nhìn rộng ra, suy nghĩ tích cực hơn chúng ta sẽ tìm thấy lối đi ngay dưới chân mình.
Cuối cùng, tôi chỉ muốn nói với bạn rằng, hãy sống hết mình, hãy cống hiến, sẻ chia và giúp đỡ, mọi khó khăn đều sẽ lùi về phía sau. Sống với yêu thương, sống với đam mê, chúng ta sẽ không lãng phí một phút giây nào trên cuộc đời này.
Theo Guu