Sứ mệnh chạm đến Mặt trời: Lần đầu tiên trong lịch sử NASA lấy tên người đặt cho tàu vũ trụ

Sứ mệnh lịch sử và một cái tên lịch sử. Tất cả đều là những cái “đầu tiên” mà NASA thực hiện từ trước đến nay.

Như đã đưa tin, NASA vừa tổ chức họp báo công bố một sứ mệnh cực kỳ quan trọng: Phóng đi một con tàu thăm dò tiến đến thám hiểm bầu khí quyển xung quanh Mặt trời. Con tàu có tên là Solar Probe Plus (SPP).

Kể từ khi được đặt vấn đề vào năm 1958, đã gần 6 thập kỷ trôi qua mà Mặt trời vẫn còn quá nhiều bí ẩn. Nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp, tất cả âu cũng vì nhiệt độ khủng bao quanh quả cầu lửa khổng lồ này ngăn trở.

Sứ mệnh chạm đến Mặt trời: Lần đầu tiên trong lịch sử NASA lấy tên người đặt cho tàu vũ trụ - Ảnh 1.

Lần này, đáp án cho những câu hỏi đã đến nhờ sứ mệnh lịch sử mà NASA, phối hợp cùng ĐH Chicago và ĐH Johns Hopkins thực hiện. Tuy nhiên, theo như NASA công bố, con tàu không còn mang tên Solar Probe Plus nữa, mà sẽ được đổi thành Parker Solar Probe, nhằm vinh danh nhà thiên văn học Eugene Parker – người tham gia buổi họp báo.

Năm 1958, giáo sư Parker là người đầu tiên công bố một bản báo cáo, trong đó nêu ý tưởng về các dòng vật chất và từ trường liên tục phát ra từ Mặt trời ở tốc độ cao, gây ảnh hưởng đến các hành tinh trong Thái dương hệ.

Hiện tượng giáo sư nêu chính là gió Mặt trời – thứ đã được chứng minh là thật trong nhiều năm qua. Nói cách khác, Parker chính là người đã đặt nền tảng cho các nghiên cứu về cách các vì sao tương tác với hành tinh xoay quanh chúng.

Sứ mệnh chạm đến Mặt trời: Lần đầu tiên trong lịch sử NASA lấy tên người đặt cho tàu vũ trụ - Ảnh 2.

Giáo sư Eugene Parker, người đặt nền móng cho cả ngành hàng không vũ trụ

“Đây là lần đầu tiên NASA đặt một cái tên cá nhân cho tàu vũ trụ” – trích lời Thomas Zurbuchen, phó giám đốc ban Sứ mệnh khoa học NASA. “Đó là lời tri ân cần thiết và quan trọng cho những đóng góp của ông ấy, người đã lập ra một lĩnh vực khoa học mới, truyền cảm hứng cho cả những nghiên cứu của tôi và các câu hỏi quan trọng hơn mà NASA vẫn đang giải đáp mỗi ngày.”

“Tôi thực sự rất phấn khích khi được góp mặt vào buổi vinh danh ông, một con người vĩ đại, và những di sản mà ông đã làm được.”

Nói về con tàu, Parker cho biết: “Con tàu sẽ tiến đến những khu vực chưa từng được khám phá. Chúng ta sẽ có những đánh giá thật chi tiết về cái gọi là gió Mặt trời. Tôi chắc chắn tất cả sẽ phải ngạc nhiên. Luôn là như vậy.”

“Parker Solar Probe sẽ trả lời những câu hỏi về Mặt trời đã khiến chúng ta phải đau đầu suốt 6 thế kỷ” – Nicola Fox, nhà nghiên cứu trong dự án thuộc ĐH Hopkins cho biết. “Đây là con tàu mang nhiều đột phá về công nghệ để xâm nhập vào những bí ẩn to lớn nhất, ví dụ như tìm hiểu lý do vì sao vùng nhật hoa xung quanh Mặt trời lại nóng hơn cả bề mặt của quả cầu lửa ấy”. 

Sứ mệnh chạm đến Mặt trời: Lần đầu tiên trong lịch sử NASA lấy tên người đặt cho tàu vũ trụ - Ảnh 3.

Cận cảnh những công nghệ đột phá của tàu Parker Solar Prob (Ảnh: Soha)

Thông thường, các sứ mệnh của NASA sẽ được đổi tên kèm chứng nhận sau khi phóng tàu. Tuy nhiên lần này, NASA đã quyết định thực hiện điều này trước, để vinh danh những đóng góp quan trọng của Parker đối với ngành khoa học hàng không vũ trụ.

Được biết, để đối phó với sức nóng hàng ngàn độ C từ Mặt trời, con tàu được trang bị một lớp vỏ cách nhiệt bằng carbon, dày khoảng 11 – 12cm. Theo dự tính, tàu Parker Solar Probe sẽ được phóng trong khoảng 20 ngày tính từ ngày 31/7/2018.

Nhiệm vụ này nằm trong chương trình “Sống cùng các vì sao” của NASA, nhằm tìm hiểu tác động từ Mặt trời đến đời sống xã hội trên Trái đất. Nhìn chung thì không lâu nữa, con người sẽ lần đầu tiên chạm đến Mặt trời.

Nguồn: NASA, Telegraph
SHARE