Một nghiên cứu mới đây cho biết những người tự coi mình là không khỏe mạnh sẽ có nguy cơ tử vong sớm cao hơn bất kể là họ chịu khó vận động như thế nào.
ghiên cứu này, được thực hiện bởi Đại học Stanford và được đăng trên tạp chí Health Psychology, cho thấy suy nghĩ, cảm nhận và niềm tin có tác động mạnh mẽ thế nào đến sức khỏe của chúng ta.
Theo đó, các chuyên gia nói rằng chúng ta nên chú trọng đến những suy nghĩ tích cực, vì chúng cũng quan trọng như việc vận động cơ thể vậy.
“Kết quả mà chúng tôi tìm được cũng đồng thuận với rất nhiều nghiên cứu cho thấy quan niệm của chúng ta – trong trường hợp này là suy nghĩ về mức độ vận động của chúng ta so với người khác – có thể đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe”, đồng tác giả Alia Crum cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích kết quả khảo sát từ hơn 60.000 người trưởng thành ở Mỹ, trong đó ghi lại mức độ vận động cơ thể, sức khỏe và nền tảng cá nhân của những người tham gia. Và trong một cuộc khảo sát, những người tham gia còn được đeo một gia tốc kế để đo mức độ vận động của họ trong một tuần liền.
Sau đó, mỗi người đều trả lời chung một câu hỏi: “Bạn có nghĩ rằng mình chịu khó vận động, lười vận động, hay có mức độ vận động bằng với những người cùng độ tuổi?”
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét số liệu tử vong từ năm 2011, nghĩa là 21 năm sau khi cuộc khảo sát đầu tiên được thực hiện.
Kết quả cho thấy khả năng tử vong trong giai đoạn tiếp theo ở những người tự coi mình là lười vận động cao hơn đến 71% so với những người tự thấy mình chịu khó vận động hơn người khác.
Đây không phải là lần đầu tiên tiến sĩ Crum tiến hành nghiên cứu nhằm chứng minh mối liên hệ giữa suy nghĩ tích cực và tuổi thọ. Những nghiên cứu từ ngay năm 2007 đã cho thấy rằng lợi ích đối với sức khỏe có được từ vận động cơ thể hàng ngày cũng phụ thuộc một phần vào suy nghĩ của chúng ta.
Trong nghiên cứu này, một nhóm các nhân viên làm việc tại một khách sạn được thông báo rằng mức độ vận động cơ thể mà họ có được qua công việc của mình đã đạt mức vận động đề xuất cho một người bình thường. Và, trong khi hầu hết những nhân viên này trước đây đều coi mình là lười vận động, thì sự thay đổi về suy nghĩ đã khiến họ đạt được kết quả bất ngờ như giảm cân, giảm lượng mỡ trong cơ thể và huyết áp.
“Người ta bỏ ra rất nhiều công sức, đặc biệt là trong các chiến dịch y tế công cộng, để tuyên truyền khuyến khích mọi người thay đổi hành vi của mình: ăn uống lành mạnh hơn, tập thể dục thể thao thường xuyên và cố gắng giữ tinh thần thoải mái,” tiến sĩ Crum cho biết.
“Nhưng có một biến số quan trọng lại bị loại ra khỏi quy trình này: đó là tâm lý của một người về những hoạt động có lợi cho sức khỏe ấy.
“Đã đến lúc chúng ta phải coi trọng hơn vai trò của tâm lý và suy nghĩ trong việc bảo vệ sức khỏe.”
Theo caphebiz.vn