Trong mỗi hoàn cảnh, nếu cứ giúp đỡ được ai thì cứ giúp thôi, mình cứ cho đi rồi sẽ nhận lại, nhận lại ít hay nhiều thì cũng không quan trọng, giúp được một người là thêm một niềm vui trong cuộc sống của bản thân”, nữ sinh 18 tuổi tâm sự.
Đi kèm chia sẻ đó là bức ảnh cô nữ sinh nhẫn nại cõng người bạn có vóc dáng nhỏ bé trên vai, mặc cho cái nắng mua hè oi bức làm mồ hôi túa ra ướt đầm lưng áo, nét mặt cô gái bình thản… bỗng trở thành khoảnh khắc đặc biệt nhất trong rất nhiều khoảnh khắc đáng nhớ của ngày thi đầu tiên, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay.
Những việc làm tốt đẹp và ý nghĩa luôn được cộng đồng đón nhận. Hành động cõng bạn trên lưng của nữ sinh trong bức ảnh trên cũng vậy. Bản tin lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Sau ít giờ đăng tải, bức ảnh đã hút hơn 32.000 lượt like và hàng trăm bình luận chia sẻ. Nhiều người tìm kiếm Facebook của cô học trò tốt bụng, can đảm đã có hành động truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Cõng bạn leo lầu, đợi người thân: Mình không mệt!
Thùy Linh (sinh năm 1999, học sinh trường THPT Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) chính là người đã chủ động đề nghị cõng Mai Loan (bạn học cùng khối) khi đến trường Lômônôxốp (Hà Nội) làm thủ tục thi hôm 21/6 vừa qua. Không chỉ cõng bạn đến phòng thi, nữ sinh còn để bạn trên lưng mình suốt 20 phút trong lúc đợi người nhà của bạn đến đón.
Linh giải thích:“Mình sợ bố bạn tìm không ra. Với cả, quanh chỗ đó không có nơi nào ngồi được. Bạn ấy không đi được cũng không đứng được nên thôi mình cõng bạn ấy luôn. Không nặng đâu ạ, bạn ấy bé nhẹ lắm”.
Dưới cái nắng tháng 6 oi bức, lưng áo Linh ướt đẫm mồ hôi. Nhiều nam sinh tình nguyện tiếp sức mùa thi thấy thế đã đề nghị được thay Linh cõng Loan nhưng nữ sinh một mực từ chối.
Cô gái tốt bụng suy nghĩ thấu đáo: “Không phải mình không muốn san sẻ việc cõng bạn ấy nhưng mình muốn tự giúp bạn ấy hơn. Mình biết tính bạn ấy hay ngại. Nếu không phải mình, bạn ấy sẽ không để cho ai khác cõng. Có mấy người bảo sao không để con trai cõng các thứ? Là con gái, đâu đứa nào cảm thấy thoải mái khi được người lạ cõng đâu ạ, đằng này lại là một bạn nam… Mình quen với Loan rồi nên sẽ khiến bạn ấy thoải mái hơn”.
Loan bị bại liệt từ năm 3 tuổi, tay cô bạn cũng rất yếu, đến cầm viết còn khó khăn. 9X không thể làm việc làm cũng như tham gia các hoạt động của trường, lớp.
Ngày thường, trường THPT Xuân Đỉnh tạo điều kiện để bố mẹ Mai Loan đưa con vào tận lớp học bằng xe máy. Tuy nhiên, đến kỳ thi THPT Quốc gia bố mẹ Mai Loan mới được biết theo quy chế thi, họ không được phép đi cùng con gái vào khu vực diễn ra kỳ thi. Đang lúc lúc cả gia đình lúng túng không biết làm sao, Linh xuất hiện.
Linh nghĩ trong bụng: “Kiểu này là mình không thể để bạn ấy một mình được rồi”và nữ sinh đã tình nguyện làm đôi chân của Mai Loan trong suốt 2 ngày qua.
Từ cổng trường đến phòng thi khá xa. Linh phải leo tận 5 tầng lầu bằng đường thang bộ. Người thường đi đã thấy khó, đằng này phải cõng thêm một người khác trên lưng, nhọc nhằn lại tăng lên gấp bội.
Cách Linh nâng niu và giúp đỡ người bạn nhỏ của mình khiến số đông nghĩ rằng họ là đôi bạn thân thiết. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy!
“Mình không học cùng lớp với Loan. Nhà Loan cách nhà mình đến 10 km. Mình biết Loan qua những lần tình cờ gặp nhau ở phòng thi hồi lớp 11 thế là mình cũng giúp bạn ấy mấy lần. Có lúc bố bạn ấy quên mất giờ đón bạn ấy thế là mình cũng cõng bạn ấy ra khỏi cổng. Mình phải công nhận là tụi mình có duyên với nhau. Lần này thi THPT cũng thi chung một phòng”,nữ sinh nói.
Hình ảnh nữ sinh cõng bạn leo 5 tầng lầu đến phòng thi chạm đến trái tim nhiều người xem trong đó có cô Hồng Hà, phó hiệu trưởng trường Lômônôxốp. Sau khi kết thúc ngày thi đầu tiên, sáng 22/6, cô Hà đã trao cho Linh và Loan chiếc thẻ thang máy.
Đây là tấm “thẻ bài” quý giá mà không phải thí sinh nào cũng được “đặt cách” sử dụng. 9X trân trọng điều đó, cô bạn viết lên Facebook cá nhân lời biết ơn: “Cảm ơn cô hiệu Phó đã giúp đỡ tụi con. Thật sự rất cảm ơn cô đã hỗ trợ tụi con ngày hôm nay!”.
Trong những ngày tới, Linh sẽ được rút ngắn quãng đường cõng bạn đến phòng thi. Cả hai sẽ có tinh thần và thể chất tốt nhất để hoàn thành bài thi của mình.
Thấu cảm trong từng khoảnh khắc sống
Thùy Linh là con gái thứ 2 trong gia đình có 2 anh em. Bố mẹ Thùy Linh chia tay nhau từ khi cô bạn còn rất nhỏ. Nữ sinh có cách miêu tả về cuộc sống của mình khiến người nghe nhói lòng: “Mình sống trong cảnh về bên mẹ thì không có bố, về bên bố thì không có mẹ. Mình phải tự chăm sóc bản thân từ khi còn bé và tự học hết tất cả mọi thứ”.
Cuộc sống chỉ có mẹ mà không có bố hoặc có bố thì không có mẹ không khiến Linh trở thành người khô khan, thiếu thốn tình cảm. Ngược lại, cô bạn có tấm lòng thương người, sẵn sàng giúp đỡ người khác chẳng bao giờ tính toán thiệt hơn. Ví dụ như chuyện Linh bỏ công thuyết phục bố Loan đưa cô bạn về nhà mình nghỉ ngơi sau giờ thi thay vì phải vượt đường xa về nhà giữa trưa nắng gắt.
“Nhà mình cách điểm thi chỉ có 2 km thôi, trong khi nhà Loan cách trường đến 10 km. Ngay từ ngày đầu mình đã bảo bạn về nhà mình nghỉ trưa cho gần, đi đứng đỡ nắng nôi, đỡ xa, đỡ mệt nhưng bố bạn ấy ngại. Phải thuyết phục lắm bố bạn ấy mãi mới chịu cho về nhà mình nghỉ trưa”, Linh kể.
Mẹ Linh cũng nhiệt tình ủng hộ suy nghĩ ấy của con gái, bà động viên: “Nếu như con giúp được bạn thì tốt thôi. Nhà xa quá thì con bảo bạn về đây mẹ lo cơm nước cho cả hai bố con”.
Trưa hôm qua là lần đầu cả hai gia đình chưa hề quen biết cùng ngồi lại với nhau trong một mâm cơm. Mọi thứ diễn ra tự nhiên đến bất ngờ, ai nấy đều vui vẻ, gần gũi như đã quen thân nhau từ lâu lắm. Tiếng cười nói giòn tan trong căn nhà nhỏ ấm áp tình người khiến mọi lo lắng, áp lực của kỳ thi bỗng chốc lùi xa.
Trong kỳ thi này, Linh đặt quyết tâm đỗ ĐH Y Dược còn Loan ôm giấc mơ vào ĐH Công nghệ Thông tin ở Cầu giấy. Mỗi bạn trẻ một điểm đến, nơi gặp nhau của họ là sự tử tế và lòng trắc ẩn.
“Mục tiêu trở thành bác sĩ có hơi cao so với sức học của mình nhưng mình sẽ quyết tâm thật nhiều để đạt được kết quả như mong muốn.Hồi còn nhỏ, mình chứng kiến cậu bị bệnh mà không có tiền chạy chữa thuốc thang,r mình thương cậu và muốn trở thành bác sĩ. Bây giờ cậu đã mất rồi nhưng ước muốn ấy vẫn còn cháy bỏng trong mình. Nếu trở thành bác sĩ, mình tin sẽ giúp được nhiều người”, Linh nói đầy hy vọng.
9X có sở thích cosplay.
Không được sống cạnh bố nhưng Linh gần gũi người mẹ có lối sống tốt đẹp và xem đó là tấm gương để soi mình vào. Mẹ Linh không dạy con gái bằng lời nói, bà giáo dục con bằng hành động, qua những trải nghiệm đời sống từ đó để Linh tự rút ra những bài học cho riêng mình. Mẹ cho Linh tự nhìn, tự nghe và tự thấy.
Lần đầu tiên mẹ nói với Linh câu:“Con làm tốt lắm!”, chính là lúc nhìn thấy hình ảnh con gái kiên nhẫn cõng bạn học trên lưng, tại điểm thi mấy hôm vừa qua.
“Đólà câu duy nhất mà mình từng nghe mẹ khen, mình vui lắm”, Linh hớn hở.
Khép lại cuộc trò chuyện, Linh tâm tình: “Trong mỗi hoàn cảnh, nếu cứ giúp đỡ được ai thì cứ giúp thôi, mình cứ cho đi rồi sẽ nhận lại, nhận lại ít hay nhiều thì cũng không quan trọng, giúp được một người là thêm một niềm vui trong cuộc sống của bản thân.
Có như thế, mình mới cảm thấy cuộc sống ý nghĩa, mình mới có động lực để sống. Thêm một tấm lòng, cộng đồng sẽ thêm tin rằng: Trên đời này không phải ai cũng xấu, cũng lạnh lùng. Xung quanh ta còn những người rất tốt họ sẵn sàng giúp đỡ chúng ta khi chúng ta cần”.
Những suy nghĩ thấu đáo ở tuổi 18 của Linh khiến người nghe chợt nhớ đến một ý rất hay trong đề thi ngữ Văn sáng nay.
Chúng tôi cũng xin mượn ý của đề văn giàu cảm xúc để khép lại câu chuyện về hành động và suy nghĩ cao đẹp của Thùy Linh: “Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm. Thấu cảm xảy ra trong từng khoảnh khắc cuộc sống!”.
Theo trithuctre