Tìm việc bằng ngoại ngữ “hiếm”

Nắm bắt xu thế hội nhập toàn cầu, nhiều lao động trẻ có trong tay vốn ngoại ngữ hiếm của một số quốc gia như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, Đức, Nhật Bản… đã nhanh chóng phát huy lợi thế, tìm được cơ hội việc làm thu nhập tốt.

Cầm tấm bằng N3 tiếng Nhật trong tay, chị Nguyễn Thị Đức (27 tuổi, ở Sơn Tây) phân tích về quyết định nghỉ công việc biên tập viên, ở nhà học ngoại ngữ. “Hiện tiếng Nhật không còn quá xa lạ nhưng nhu cầu của người học vẫn ở mức cao, nhất là người muốn đi xuất khẩu lao động.

Thu nhập cao gấp 2 – 3 lần

Chị Đức dự tính sau khi có bằng N2 sẽ đi dạy cho các trung tâm. Lương giáo viên tiếng Nhật bằng N3 thường được trả 12.000.000- 15.000.000 đồng, còn N2 cao hơn là 17.000.000-20.000.000 đồng. Ngoài ra có thể làm tự do, nhận tiết dạy ở các trung tâm thì thu nhập cao gấp 4-5 lần mức lương văn phòng trước đây Đức đã từng làm.

Đối với lĩnh vực du lịch, theo thống kê của Tổng cục Du lịch trong 8 tháng đầu năm 2017, cả nước đón hơn 8.472.000 lượt khách quốc tế. Cụ thể, 23.191 lượt khách châu Phi, 280.029 lượt khách châu Úc, 1.278.996 lượt khách châu Âu và 6.324.994 lượt khách châu Á. Trong đó có nhiều khách đến từ Đức, Thụy Sĩ, Ý, Tây Ban Nha, Nga, Na Uy, Lào, Campuchia…Trước đó, năm 2016 số liệu của Tổng cục Du lịch cũng cho thấy cả nước có hơn 17.000 hướng dẫn viên, mới chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu khách trong nước và 40% nhu cầu khách quốc tế, đặc biệt là hướng dẫn viên có ngoại ngữ hiếm.

Theo tiết lộ của một hướng dẫn viên du lịch, tiền công dẫn khách nội địa hoặc khách tiếng Anh chỉ ở mức 400.000 – 600.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, hướng dẫn viên ngoại ngữ hiếm được trả cao gấp đôi, thậm chí gấp ba. Nói về điều này, đại diện một công ty du lịch vừa và nhỏ (trụ sở tại Đà Nẵng) cho hay: “Sau 2 năm khai thác thị trường Italia và Bồ Đào Nha, đến thời điểm hiện tại công ty mới chỉ tìm được hướng dẫn viên tiếng Italia, vẫn thiếu hướng dẫn viên tiếng Bồ Đào Nha. Điều này buộc công ty phải nhờ những sinh viên học tiếng Bồ có sự am hiểu nhất định và chăm sóc khách nhiệt tình. Thông thường, mức giá được đưa ra cho sinh viên là 40-50 USD/ngày, nếu đảm bảo chất lượng tốt sẽ có giá 60 USD/ngày, trong khi đó tiếng Anh chỉ có 20-30 USD/ngày”.

Bà Trần Như Quỳnh, làm việc tại 1 công ty dịch thuật ở Hà Nội cũng thông tin rằng các công ty dịch thuật luôn tìm kiếm mở rộng đối tác. Cộng tác viên tiếng CH Czech, tiếng Hàn, Nhật, Trung, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…được đào tạo từ trường ngoại ngữ hoặc người đã có kinh nghiệm luôn được ưu tiên trong quá trình tuyển dụng. Thông thường cứ 10 đơn gửi đến mới chọn được 4 – 5 người. Vì thế, mức lương của nhóm ngoại ngữ hiếm bao giờ cũngcao hơn ngoại ngữ phổ thông.

Tự tạo cơ hội cho bản thân

Thu nhập chỉ hơn 5.000.000 đồng/tháng, chị Hoàng Thị Thu (28 tuổi, Thanh Hóa) muốn tìm một công việc thu nhập cao hơn, nên đã theo học lớp tiếng Nhật N5. Chị Thu kể:”Năm 2012 tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân hệ chính quy chuyên ngành lý luận nhưng không xin được việc.

Tôi đành phải đi làm phụ trách kho cho 1 đại lý xe máy, sau đó chuyển làm văn phòng. Cuộc sống khéo co kéo thì đủ nuôi bản thân nhưng để tích lũy phòng khi ốm đau lại không có”. Hy vọng của chị Thu là 6 tháng sau khi học tiếng sẽ được đi xuất khẩu lao động ở diện kỹ sư – văn phòng, lương 15.000.000- 20.000.000 đồng/tháng.

Đối với Nguyễn Thúy (sinh viên năm thứ ba) Khoa ngôn ngữ Ý Đại học Hà Nội lại có chút khác biệt. Bắt đầu chương trình học, Thúy đã nghĩ đến cơ hội việc làm cao khi tiếng Italia vẫn chưa thông dụng ở Việt Nam. Nghĩ là làm, học kỳ hai năm thứ nhất Thúy đã nhập cuộc tìm cơ hội bằng công việc hướng dẫn viên. “Sau khi phỏng vấn tại Công ty Hanoi free tour guides, em may mắn được nhận, dù lúc đấy nói tiếng Ý vẫn còn bập bẹ lắm. Năm thứ hai, đã quen việc nên em tự tin nhận nhiều khách hơn, thậm chí có cả tour ngoại tỉnh. Nhờ đó ngoại ngữ của em được cải thiện hơn, phản xạ nhanh hơn trước nhiều”, Thúy phấn khích chia sẻ.

Theo Thúy, dù hướng dẫn miễn phí cho du khách nhưng nhờ sự nhiệt tình nên em thường được nhận tiền tip (thưởng), hoặc quà tặng. Số tiền đủ để em có 1 khoản riêng chuẩn bị cho đầu năm học mới.

Chọn học tiếng Bồ Đào Nha, Ngô Thúy Minh, sinh viên năm thứ ba Khoa Ngôn ngữ Bồ Đào Nha (Đại học Hà Nội) cho rằng, các công ty Nam Mỹ hiện không ngừng đầu tư vào Việt Nam. Sinh viên ngoại ngữ có thể phát huy thế mạnh làm biên dịch, phiên dịch cho các công ty làm ăn với các nước nói tiếng Bồ Đào Nha.

Có thể nói, trong thời buổi toàn cầu hóa, khi ngôn ngữ tiếng Anh là công cụ chính và nó được xem như “giấy thông hành” cho việc xin việc thuận lợi hơn, thì ít tai biết rằng học những ngoại ngữ “hiếm” cơ hội việc làm và thu nhập rất “sáng”.

 

Theo Người Lao Động

SHARE