Tủ lạnh phát nổ: Nguy hiểm khó lường, ‘bom’ nơi góc bếp

Tủ lạnh đang dùng bình thường bỗng nhiên phát ra tiếng nổ lớn. Sau đó, lớp kính cường lực bên ngoài mặt tủ bắt đầu nứt vỡ vụn, khiến người dùng hoang mang vì không rõ nguyên nhân.

Hàng loạt tủ lạnh phát nổ

Gần 10 giờ đêm ngày 18/6, chị Phùng Thu Huế ở Khu đô Thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) đang ngồi xem tivi ngoài phòng khách thì thấy trong phòng bếp bỗng nhiên phát ra tiếng nổ lớn. Khi chạy vào xem nổ ở đâu thì phát hiện mặt kính cường lực của cánh tủ lạnh đang nứt vỡ phát ra những tiếng tanh tách mà chị không rõ nguyên nhân vì sao.

Chị Huế cho biết, tủ lạnh nhà chị là loại 3 cánh. Đây là loại tủ của một hãng điện lạnh nổi tiếng của Nhật Bản, chị mua tại ở siêu thị ngay gần nhà từ tháng 3/2016 với giá là 57 triệu đồng. Lúc tủ lạnh bị nổ và vỡ kính ở mặt ngoài cánh tủ, bên trong tủ không chứa quá nhiều đồ, đặc biệt cánh tủ lạnh còn trống không, không có gì nhưng chúng vẫn phát nổ.

Điều đáng nói, sau khi phát nổ và gây ra hiện tượng nứt vỡ mặt kính, tủ lạnh vẫn chạy bình thường. Chỉ có điều, mỗi lần mở tủ lấy đồ ra, chị chỉ sợ chỗ kính nứt vỡ đó rơi xuống bất cứ lúc nào.

tủ lạnh, tủ lạnh phát nổ, cách dùng tủ lạnh an toàn
Chiếc tủ lạnh của gia đình chị Huế bỗng nhiên phát nổ, kính bên ngoài cửa nứt vỡ

“Tôi có liên hệ đến hãng sản xuất để đến xem và hỏi nguyên nhân tại sao tủ lại phát nổ. Thế nhưng, khi nhân viên đến kiểm tra thì chỉ nói chắc nhà chị va chạm mạnh vào cái gì nên nứt vỡ rồi thu 150.000 đồng theo yêu cầu của hãng”. Chị nói và cho biết, nhân viên của hãng đề xuất thay cánh tủ mới, chi phí hơn 3,3 triệu đồng, đồng thời phải chờ từ 1 tuần đến khoảng 15 ngày do chờ nhập ở Thái về.

Theo chị Huế, tủ lạnh nhà chị phát nổ không phải là trường hợp duy nhất. Bởi, bạn chị cũng mua một cái tủ lạnh y hệt. Tuy nhiên, tủ lạnh nhà bạn chị mới dùng được 3 tháng (vẫn còn bảo hành) cũng bị phát nổ và mặt kính của cánh tủ nứt vỡ giống hệt cái nhà chị. Và khi gọi hãng sản xuất tới xem xét thì họ yêu cầu thay cánh mới, còn nguyên nhân nổ thì vẫn chưa rõ.

Trước đó, rất nhiều trường hợp tủ lạnh cũng phát nổ khi đang sử dụng. Thậm chí, có nhiều trường hợp khi phát nổ còn gây thương tích cho người đứng gần. Đơn cử, vào ngày 27/5 vừa qua, khi ông Lễ và vợ dậy sớm để nhóm bếp nấu cơm, một tiếng nổ lớn phát ra từ phía tủ lạnh rồi hất văng cặp vợ chồng ông vào tường khi hộp quẹt lửa vừa bật.

“Cửa tủ lạnh bật tung, vỡ nát rồi phát hỏa dữ dội. La phông ở trần nhà bị thổi tốc lên, các cửa kính cũng vỡ nát. Khi nghe tiếng nổ, tôi cùng mọi người chạy xuống thì bố mẹ đã bị thương nặng. Chúng tôi sơ cứu rồi đưa bố mẹ tới bệnh viện”, chị Nguyễn Mai Trâm – con gái ông Lễ kể.

 Tương tự, vào cuối năm 2009, một chiếc tủ lạnh tại nhà bếp căn hộ C5/37 ở xã Tân Kiên (Bình Chánh, TP.HCM) cũng bất ngờ nổ “ầm” một tiếng làm rung chuyển cả khu vực, khiến một người đàn ông nhập viện với hai vết thương ở mặt và ở tay. Trong khi đó, người dân sống xung quanh cũng cảm thấy bất an tủ lạnh đang là món đồ thông dụng trong các gia đình.

tủ lạnh, tủ lạnh phát nổ, cách dùng tủ lạnh an toàn
Các chuyên gia khuyến cáo nếu dùng tủ lạnh không đúng cách sẽ rất dễ biến thành bom

Sử dụng sai cách, nguy cơ nổ cao

Đến nay, đa phần các vụ nổ tủ lạnh vẫn chưa được xác định rõ nguyên nhân vì sao lại phát nổ. Song, theo PGS.TS Nguyễn Đức Tiến, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, cấu tạo của tủ lạnh gia đình gồm giàn lạnh, giàn nóng, bình gas, máy nén, các ống dẫn,… Trong đó, bình gas có chức năng bơm gas lên giàn lạnh phục vụ quá trình làm lạnh.

Máy nén giúp gas lưu thông trong tủ lạnh; khi tủ lạnh hoạt động máy nén sẽ chuyển gas ở dạng khí sang dạng lỏng và đưa gas tuần hoàn làm lạnh khắp máy.

Nguy cơ nổ tủ lạnh thường gặp ở những tủ đã quá cũ hoặc do sửa chữa hàn xì, thay gas nhiều lần nên có cặn bẩn gây tắc ống mao nối từ giàn ngưng đến giàn bay hơi, giảm khả năng làm mát, dẫn đến áp suất hệ thống quá cao, dễ cháy nổ.

Thứ nữa, do máy nén là loại kín nên các cuộn dây điện có thể bị chập, chạm gây ra tia lửa điện và làm ga bắt lửa. Hay, cũng có trường hợp do điện áp tăng đột ngột, máy nén liên tục đưa hơi gas vào dàn nóng, làm tăng áp suất của ga dẫn tới cháy nổ, PGS Tiến chia sẻ.

Các chuyên gia trong ngành điện tử điện lạnh cũng khuyến cáo tủ lạnh nếu không dùng đúng cách rất dễ biến thành ‘bom’. Do đó, không nên sử dụng loại tủ lạnh quá cũ. Còn nếu đang sử dụng tủ lạnh cũ thì không nên đụng chạm vào các thiết bị bên trong, hay tự ý mang đi nạp gas mới, mà chỉ lau rửa tủ và mời thợ về vệ sinh giàn ngưng nếu có bụi bám nhiều.

Đặc biệt, tuân thủ nguyên tắc kê tủ lạnh ở nơi thoáng mát, tránh xa các nguồn nhiệt, thiết bị điện và ánh sáng chiếu trực tiếp, cách xa tường tối thiểu 15 cm. Đưa tủ lạnh đến cơ sở sửa chữa có uy tín khi có các hiện tượng sau: Đá không đông, hoặc đá đóng tràn lan ra ngoài khay đá, hoặc thấy tủ không có hơi lạnh nữa,…

Một lưu ý nữa là khi tủ có tiếng động lớn từ máy nén hoạt động liên tục trong thời gian dài không tự ngắt; sờ hai bên hai thành tủ cảm thấy nóng hay cảm thấy có khí rất nóng tỏ ra từ máy nén; nghe tiếng động lạ từ máy nén,… thì người dùng cần phải ngắt ngay nguồn điện tủ lạnh để đảm bảo tủ không chập cháy dẫn đến phát nổ.

Bên cạnh đó, không nên để đồ uống có ga trong ngăn đá vì chúng rất dễ làm tủ phát nổ.

Theo VietNamNet

SHARE