Để có tiền hàng tháng đưa con đi bệnh viện điều trị bệnh hiểm nghèo theo định kỳ, chị Nhung quyết định đi phu gạch. Thế nhưng, mới làm được 4 ngày thì chị bị máy làm gạch cuốn tử vong.
Bị máy “nuốt chửng” sau 4 ngày đi làm
Hơn một tháng nay, cứ chiều đến, dù trời rét cắt da thịt, người dân xã Quỳnh Hậu (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) lại thấy anh Nguyễn Văn Công (33 tuổi, ngụ thôn 3) với dáng người gầy gò, da đen sạm, tay bồng, tay dắt hai đứa con thơ ra đầu ngõ. Thằng bé mới hơn một tuổi dù được bố bế trên tay, luôn miệng dỗ dành nhưng vẫn gào khóc. Có lẽ giờ này, hai đứa trẻ nhớ mẹ, lại bắt bố dẫn đi tìm mẹ.
Ngồi trong nhà, đôi mắt bà Nguyễn thị Cam (58 tuổi, mẹ anh Công) nhòa lệ khi nhắc đến số phận bất hạnh của hai đứa cháu nội sau ngày con dâu không may bị máy làm gạch cuốn tử vong.
“Con dâu tôi đột ngột ra đi, bỏ lại hai đứa con còn nhỏ dại. Đã hơn một tháng trôi qua nhưng chúng vẫn chưa thể làm quen được cuộc sống không có mẹ trên đời. Chiều đến, chúng lại đòi bố dẫn đi tìm mẹ, đêm về lại khóc. Thương con, nhớ vợ khiến con trai tôi cũng tiều tụy, héo hon”.
Bé Gia Bảo bị bệnh xuất huyết giản tiểu cầu từ khi 3 tháng tuổi, tháng nào cũng phải nhập viện điều trị
Sự việc xảy ra vào sáng ngày khoảng sáng ngày 22/11/2017, chị Nguyễn Thị Nhung (26 tuổi, vợ anh Công) đang làm phu gạch (táp lô) cho một chủ cơ sở tại xã Quỳnh Thạch (huyện Quỳnh Lưu). Khi đang chui vào gầm máy để trộn bê tông thì bất ngờ máy hoạt động khiến chị Nhung bị cuốn vào khoang trộn.
Nghe tiếng la hét thấy thanh từ trong máy trộn, những công nhân khác đã nhanh chóng dập cầu dao điện rồi cùng nhau giải cứu chị Nhung ra ngoài, đưa đi cấp cứu.
Đã hơn một tháng trôi qua kể từ ngày mẹ mất, ngày nào chị em Bảo cũng bắt bố dẫn đi tìm mẹ.
Dù được chuyển gấp lên bệnh viện tỉnh nhưng vết thương quá nặng, chị Nhung đã không qua khỏi.
Chị Nhung qua đời để lại cho chồng hai đứa con thơ. Con gái lớn là Nguyễn Thị Bảo Trâm (5 tuổi). Cậu con trai út Nguyễn Gia Bảo mới vừa 15 tháng tuổi. Đau đớn hơn, bé Bảo đang gánh trong mình căn bệnh hiểm nghèo, đều đặn hàng tháng phải vào bệnh viện tỉnh, trung ương điều trị.
Cũng đành “gà trống nuôi con”
Thắp nén nhang lên bàn thờ người vợ xấu số, anh Công gạt nước mắt chia sẻ, bé Gia Bảo chào đời được 3 tháng thì xuất hiện triệu chứng xuất huyết ngoài da, bầm tím như hình đồng xu, mệt mỏi, hay quấy khóc. Đưa con đi viện thăm khám mới biết mắc bệnh “xuất huyết tiểu cầu”. Cũng từ đó đến nay, đều đặn mỗi tháng một lần, vợ chồng anh đưa con nhập viện tuyến tỉnh, trung ương điều trị từ 1 tuần đến 10 ngày.
Bà Cam cho biết, con dâu cũng chỉ muốn đi làm, kiếm thêm ít tiền trang trải cho con bệnh tật nhưng không may lại chết thảm
Cuộc sống gia đình khó khăn, từ ngày bé Gia Bảo mắc trọng bệnh càng thêm túng bấn. Thu nhập chính phụ thuộc vào hai sào ruộng, để có tiền trang trải, chi phí trong những chuyến đưa con đi điều trị, anh Công đi phụ hồ gần nhà. Con mắc bệnh nặng nên anh cũng không dám đi làm ăn xa. Chị Nhung ở nhà chăm sóc con, cáng đáng việc ruộng đồng, đến kỳ lại theo con nằm viện.
Hơn một tháng trôi qua, Trâm và Bảo vẫn chưa thể làm quen được cuộc sống khi không có mẹ bên cạnh.
Vì bệnh tật nên mãi đến bây giờ, dù kết hôn được 6 năm nhưng gia đình anh chưa xây được nhà riêng, vẫn ở chung cùng bố mẹ.
“Vừa rồi, vợ tôi quyết định đi phu gạch để kiếm thêm đồng tiền trang trải chi phí lúc con nằm viện. Nhưng mới làm được 4 ngày thì tai họa ập đến. Giờ cô ấy đi rồi, bố con tôi biết sống như thế nào đây”, anh Công trải lòng.
Từ ngày chị Nhung mất, gánh nặng đè lên vai anh Công. Suốt 50 ngày đầu, anh ở nhà hương khói cho vợ, dỗ dành hai con. Bé Bảo Trâm hiện đang học tại trường mầm non. Ngày đi học có nhiều bạn bè nên bé nguôi ngoai nhưng cứ về đến nhà là đòi mẹ.
“Tối đến, tôi và mẹ lại luân phiên bồng hai đứa con, chúng quấy khóc, bắt dẫn đi tìm mẹ suốt. Nhiều lúc nhìn con khóc mà thương xót lắm, chỉ biết khóc cùng con. Chúng còn quá nhỏ để gánh chịu nỗi đau này”, anh Công thở dài.
Đội tang vợ được một tuần, anh Công lại bồng con nhập viện điều trị. Ngày trước, công việc này được vợ gánh vác, anh chỉ đi làm kiếm tiền, thỉnh thoảng mới vào thăm con. Giờ vợ không còn, anh cảm thấy rất vất vả.
Căn nhà của gia đình bà Cam, nơi 3 bố con anh Công đang tá túc.
Con vừa xuất viện trở về, anh lại tiếp tục đi làm phụ hồ kiếm tiền để tháng tới tiếp tục đưa con đi viện điều trị.
Vừa đi phu hồ về, dù người rất mệt, anh Công cũng chỉ kịp thay bộ quần áo lao động, rửa qua tay chân để kịp bồng con đi tìm mẹ. Anh chỉ ước hai đứa con bất hạnh của mình sớm làm quen cuộc sống không có mẹ bên cạnh để được vô tư chơi đùa, được ngủ yên giấc, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác.
nguồn: tintuconline.