Uống xong chai nước quăng luôn vỏ chai bất kể đang đi trên đường. Ăn bịch bánh tráng trộn xong sẵn sàng bỏ ngay túi nilông đựng rác dưới chân. Bạ đâu xả đó!Ứng xử văn minh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị là điều được nhắc đến thường xuyên hơn những năm gần đây.Nhiều chương trình, cuộc vận động đã ra đời mà người trẻ được đặt ở vị trí trung tâm cho hành trình xây dựng văn minh đô thị. Nhưng thực tế thế nào?Có những điều xem ra rất nhỏ, tưởng chừng ai cũng dễ dàng làm được trong ứng xử hằng ngày. Thế nhưng…
- Cổng trường đầu giờ sáng. Chiếc xe máy của người mẹ trẻ chở con tấp vào vỉa hè. Xe dừng, cô bé bước xuống, đưa cho mẹ vỏ hộp sữa vừa uống xong, người mẹ liền nói “vứt đi”!
Cô bé phụng phịu: “Cô dạy phải bỏ rác vào thùng”.Còn chưa kịp đợi cô con gái nói hết câu, người mẹ đưa tay giật lấy hộp sữa rồi vứt ngay vào gốc cây trên vỉa hè. Cô bé cúi xuống định nhặt lên, bà mẹ gạt tay: “Vô lớp nhanh không bảo vệ đóng cổng bây giờ”.Cô bé bước đi, không quên ngoái lại nhìn mẹ.Một phụ huynh có con đang học lớp 2 tại Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) kể cậu con trai về nhà khoe được cô chủ nhiệm phân công làm trưởng ban vệ sinh lớp.Mẹ hỏi, cậu bé hồn nhiên kể: “Con có nhiệm vụ nhắc các bạn không xả rác, nếu thấy bạn nào xé giấy bỏ bừa bãi trong lớp sẽ nhắc bạn lượm lên”.“Nếu bạn không lượm thì sao?” – người mẹ hỏi, cậu bé đáp: “Con sẽ lượm bỏ vào sọt rác của lớp rồi méc cô”.Người mẹ ấy cho biết con mình đã có thói quen tìm nơi bỏ rác chứ không bao giờ vứt lung tung dù ở nhà cũng như khi ra đường.
- Hai câu chuyện nghe chừng đơn giản nhưng lộ ra chút khập khiễng trong việc giáo dục con trẻ giữa gia đình và trường học. Nhà trường nào cũng dạy học sinh từ tiểu học phải biết bỏ rác đúng nơi, không xả bừa bãi.
Tổ chức Đội cũng phát động trong học sinh ý thức “mắt thấy rác, tay nhặt liền”. Nhưng cách ứng xử của người mẹ cô học trò ở trên dù có thể chỉ là vô tình đã làm mất ý nghĩa của bài học vỡ lòng con mình được tiếp thu trên lớp.Mà chuyện xả rác một cách thoải mái của không ít bạn trẻ hôm nay phải chăng là hệ quả của chính những thói quen không được lưu giữ ngay từ trong gia đình những ngày còn bé?Uống xong chai nước quăng luôn vỏ chai bất kể đang đi trên đường. Ăn bịch bánh tráng trộn xong sẵn sàng bỏ ngay túi nilông đựng rác dưới chân. Bạ đâu xả đó!Tôi từng chứng kiến một nhóm bạn trẻ sau khi sinh hoạt, ăn uống trên vỉa hè đại lộ Mai Chí Thọ (Q.2) đã thu gom hết đống giấy báo, rác thải lại.Sau một hồi đắn đo, và chắc ngay tại vị trí ấy không thấy thùng rác nào nên đã vứt luôn đống rác đó xuống ngay con rạch gần kề, rồi tất cả ra về như không có chuyện gì.Hay đã từng có lần trong một lễ hội quân hè tại Đầm Sen, chiến sĩ tình nguyện rút về khi hoạt động kết thúc cũng là lúc cả một bãi chiến trường ngổn ngang đủ loại rác ở lại khiến nhân viên của công viên này vừa quét dọn vừa tặc lưỡi giữa đêm.Thậm chí có những hoạt động tập trung đông người, trước khi kết thúc, loa phát rất to nhờ mỗi bạn khi đứng lên vui lòng nhặt rác dưới chân và xung quanh mình, vậy mà sau đó vẫn có việc cho nhân viên vệ sinh!
- Ấy mới là những chuyện nghe có vẻ vụn vặt nhưng đã thành thói quen, tật xấu xả rác không đúng nơi đúng chỗ của những thị dân trẻ tuổi. Kể ra chắc còn nhiều điều đáng suy ngẫm. Như ăn nói bạt mạng, ồn ào nơi đông người như chốn riêng tư; là bệnh… “tiểu đường” bất chấp sự dòm ngó, bình phẩm của người khác; là sẵn tiện “phun phẹt” bất cứ đâu trên đường phố mà không cần để ý đến người xung quanh; là ăn mặc mát mẻ, “thiếu vải” ra đường, kể cả vô tư đặt chân vào chốn tôn nghiêm, thờ tự…
Ít nhất trong ba cuộc gặp với các đối tượng trẻ TP.HCM, một cuộc với thiếu nhi, một cuộc với đại diện tuổi trẻ và một cuộc với nhiều cán bộ Đoàn chủ chốt của TP thời gian qua, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đều nhắc đến việc người trẻ cần ý thức không vứt rác bừa bãi để TP sạch hơn.Theo Bí thư Thành ủy, chính những người trẻ phải làm gương, tổ chức Đoàn phải phát động cho được ý thức giữ vệ sinh chung trong tuổi trẻ rồi vận động người dân TP không xả rác nơi công cộng, có vậy mới có văn minh đô thị.Mỗi hành vi nhỏ, thói quen cá nhân không phù hợp nhưng lại chưa được từng người tự chỉnh sửa thì nói gì đến xây dựng văn minh đô thị của cộng đồng! Mà mọi ứng xử của số đông, rộng hơn là cộng đồng chỉ có thể được hình thành bắt đầu từ sự góp sức của từng cá nhân.Chỉ khi nào những hành vi tốt, đúng mực được nhân lên mới mong loại dần những ứng xử thiếu chuẩn mực, lúc ấy mới có thể nghĩ đến khái niệm văn minh đô thị.Thế nên câu hỏi “Có xây dựng văn minh đô thị được không?” liệu có làm mỗi người trẻ suy nghĩ?Nguồn TuoiTre.vn