Vẫn muốn sinh con có nên hút mỡ bụng?

Theo bác sĩ Phương Ngọc, bạn không nên hút mỡ bụng nếu có dự định sinh con trong tương lai gần vì có nguy cơ béo trở lại, chảy xệ như cũ.

– Sau khi sinh con đầu lòng, vòng 2 của tôi rất nhiều mỡ thừa, bị chảy xệ, mất thẩm mỹ. Tôi muốn phẫu thuật hút mỡ bụng nhưng không biết phương pháp này có ảnh hưởng đến khả năng sinh con sau này hay không? Tôi dự định 2-3 năm tới sẽ sinh cháu thứ hai (Mai Ngọc, 28 tuổi, Bắc Ninh).

Bác sĩ Nguyễn Vũ Phương Ngọc (tu nghiệp tại Thái Lan, nguyên giảng viên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ – Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch,TP.HCM), tư vấn:

– Hút mỡ bụng là loại hình thẩm mỹ an toàn, có thể sử dụng phương pháp này nếu còn tiếp tục sinh con. Tuy nhiên, khi mang thai, sinh con, bạn có thể bị béo lại, chảy xệ như trước đây, làm lãng phí tiền thẩm mỹ. Vì vậy, bạn chỉ nên làm nếu có dự định sinh con trong tương lai xa.

Van muon sinh con co nen hut mo bung? hinh anh 1
Bạn không nên hút mỡ bụng nếu có dự định sinh con trong tương lai gần. Ảnh: KelownaNow

Nếu vẫn quyết định hút mỡ và để đảm bảo an toàn, bạn cần chú ý lựa chọn nơi thẩm mỹ được cấp phép, uy tín, tuân thủ đúng quy trình sau:

– Bước 1: Chụp hình tiền phẫu. Bệnh nhân sẽ được chuyên viên chụp hình trước mổ.

– Bước 2:Từ hình ảnh chụp và khám lâm sàng bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ sẽ thăm khám, đánh giá cụ thể tình trạng mỡ thừa trong cơ thể, từ đó đưa ra những tư vấn về phương pháp điều trị phù hợp nhất.

– Bước 3: Bước bắt buộc khi thực hiện hút mỡ là bệnh nhân phải được khám và xét nghiệm thật kỹ để kiểm tra sức khỏe và có biện pháp phòng ngừa, điều trị thích hợp. Những bệnh có sẵn, tiềm ẩn phải được chữa trị cho ổn định trước khi tiến hành hút mỡ.

– Bước 4: Dùng bút lông khoanh vùng, đánh dấu vùng da cần hút mỡ. Điều này giúp bác sĩ hút bỏ chính xác phần mỡ thừa. Hình ảnh sau khi được vẽ khoanh vùng sẽ được chụp hình lại, chiếu lên trên màn hình tivi được trang bị trong phòng mổ để bác sĩ có thể tiến hành hút mỡ một cách chính xác nhất.

– Bước 5: Hút mỡ bụng được tiến hành trong môi trường bệnh viện, nơi trang thiết bị tối đa. Trang thiết bị này theo nghĩa rộng bao gồm cả con người, đó là kíp mổ, bác sĩ gây mê, điều dưỡng, dụng cụ máy móc (gây mê, thuốc men) để tránh các biến chứng xảy ra và có đủ trình độ để cứu người bệnh khi sự cố xảy ra ngoài mong muốn.

– Bước 6: Mỡ được hút từ nhiều lớp, nông đến sâu. Bác sĩ chọn ống hút thích hợp thường là loại có đường kính nhỏ 3-4 mm. Trên ống có một hay nhiều lỗ kích cỡ khác nhau để mỡ đi vào, ống hút được nối với máy hút chân không. Lực hút được điều chỉnh vừa phải, đều tay và luôn tỉnh táo, kiểm soát được lượng mỡ hút ra và không phạm vào các cấu trúc sâu cũng như da. Nên hút đan chéo để tránh hiện tượng da lồi lõm không đều. Sau hút có thể đặt dẫn lưu và băng ép tốt để cầm máu và chống phù nề, đảm bảo kết quả.

Nguồn: Zing.vn

SHARE