Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã phát triển một dạng thủy tinh có khả năng tự sửa chữa sau khi vỡ, đánh dấu bước đột phá đáng kể cho ngành điện thoại thông minh
Theo Slashgear, điện thoại thông minh hiện nay là các thiết bị dễ vỡ, đặc biệt do cách bố trí xếp lớp kính, kim loại, kính đan xen. Khi gặp sự cố, các bộ phận có thể được thay thế hoặc sửa chữa nhưng sẽ tốn chi phí không nhỏ của người dùng và một trong những thành phần đắt tiền nhất, dễ vỡ nhất chính là màn hình.
Các nhà nghiên cứu đã tình cờ phát hiện ra loại vật liệu mới khi cố gắng sử dụng polymer như một loại keo. Họ nhận thấy vật liệu polymer trong suốt, được biết đến với tên gọi polyether-thioureas, có thể tự kết dính lại với nhau khi nén bằng tay ở nhiệt độ phòng. Đây là một bước đột phá đáng kể khi so với những nghiên cứu trước đây cần phải có nhiệt độ cao để làm tan chảy vật liệu cho mục đích kết dính.
Kết quả cho thấy vật liệu này có thể giữ các mảnh vỡ liền với nhau và trở về tình trạng ban đầu trong vài giờ. Vật liệu mới hiện chỉ có thể tự phục hồi khi chịu một áp lực nhỏ. Các loại kính tự phục hồi này sẽ có giá trị to lớn trong tương lai khi được thương mại hóa, giúp người dùng có thể nói lời tạm biệt với các hóa đơn sửa chữa đắt tiền.
Đây không phải là lần đầu tiên polymer được đề xuất như là vật liệu cho màn hình tự lành trong các thiết bị như điện thoại thông minh. Các nhà nghiên cứu tại Đại học California đề xuất việc sử dụng loại polymer có thể kéo dài đến 50 lần so với kích thước ban đầu và hồi phục “vết thương” chỉ trong vòng 24 giờ.
Các nhà sản xuất điện thoại thông minh từng sử dụng vật liệu tự phục hồi trong thiết bị của họ. G Flex 2 của LG ra mắt vào năm 2015 với một lớp sơn phủ ở mặt sau có khả năng làm lành các vết trầy xước nhỏ theo thời gian mặc dù không thể sửa chữa hoàn toàn các thiệt hại nặng hơn.
Theo ThanhNien