Hãy tìm tất cả các đặc điểm đáng chú ý nhất của iPhone X và bạn sẽ nhận ra bóng hình của 2 chiếc điện thoại Android đáng chú ý nhất trong năm nay.
Như vậy, cuộc đua smartphone cao cấp cuối năm đã chính thức bắt đầu sau khi Apple vén màn mẫu chủ lực iPhone X, chỉ vài tuần sau khi Samsung ra mắt Galaxy Note8. Đối mặt với chiếc Note8 “trang bị tận răng” với màn hình InfinityEdge, vi xử lý Snapdragon 835 mạnh mẽ và bút stylus với 4.096 điểm nhận lực nhấn, chiếc iPhone 1000 đô của Apple chỉ mang đến thay đổi đáng kể duy nhất: màn hình kéo dài tỷ lệ 2:1.
Nhưng, như bạn chắc chắn đã nhận ra, tỷ lệ hiển thị 2:1 là tiêu chuẩn được Samsung xác lập ngay từ đầu năm với bộ đôi Galaxy S8 và Galaxy S8+. Tuy ra mắt muộn hơn LG G6 chỉ một vài tuần lễ, Samsung mới là thế lực duy nhất có thể bán được hàng triệu mẫu smartphone Univisium và qua đó mở ra một thời đại mới cho hiển thị di động.
Tại thời điểm ra đời, iPhone X là chiếc smartphone thứ… 6 đặt chân lên tiêu chuẩn 2:1. Trước iPhone X, Samsung đã có tới 3 mẫu đầu bảng đạt chuẩn Univisium: Galaxy S8, Galaxy S8+ và Galaxy Note8. Xét tới thành công của Galaxy S8 và S8+ (10 triệu máy trong ngày phát hành) cũng như kỷ lục đặt hàng của Note8 (vượt mặt cả Note7), rõ ràng là Apple đã một lần nữa phải khuất phục trước sức ép của gã khổng lồ Hàn Quốc.
Trước đó, Apple chỉ chịu ra mắt smartphone màn hình lớn sau khi Samsung đã lãnh đạo cuộc cách mạng phablet được 3 năm. Samsung cũng nằm trong số các tên tuổi đầu tiên loại bỏ 4:3 để chuyển lên 16:9 cho smartphone của mình.
Tại thời điểm hiện tại, ngay cả iPhone X cũng vẫn thiếu đi 2 công nghệ quan trọng so với Galaxy Note8: khả năng hỗ trợ lực nhấn 4.096 điểm và 2 bên tràn cạnh. Thiết kế tràn cạnh là thành công bất ngờ của Galaxy S6 edge, được tiếp nối trên một loạt các mẫu cao cấp và đến nay đã trở thành tiêu chuẩn của cả 2 dòng Galaxy S lẫn Galaxy Note8. Với đột phá này, Samsung đã không chỉ tạo ra một hình khối sang trọng và tiện dụng hơn cho smartphone đầu bảng của mình mà còn mang đến nhiều tính năng phần mềm hữu ích như Apps edge, People edge, Tasks edge…
Ở phía ngược lại, Apple gây chú ý bằng cách kéo dài màn hình nhưng lại không nâng cấp phần mềm đáng kể. Hệ điều hành iOS qua từng năm có rất ít thay đổi theo phong cách “mỗi năm nâng cấp một thứ”. Ví dụ, năm ngoái Apple tập trung vào ứng dụng iMessage vốn không thực sự tiện dụng (vì chỉ xoáy quanh người dùng iOS chứ không hỗ trợ tất cả các nền tảng như Facebook Messenger hay WhatsApp). Năm 2015, Apple nâng cấp cho ứng dụng ghi chú để người dùng iPhone có thể thoải mái viết chữ bằng… đầu ngón tay.
iPhone X năm nay cũng vì vậy mà vừa kém tính năng, vừa xấu xí hơn đáng kể so với Galaxy Note8 và Galaxy S8+. Việc kéo dài màn hình nhưng vẫn giữ phong cách “mỏng dẹt” khiến cho chiếc iPhone 1000 đô của năm 2017 có thân hình vuông vắn và thô kệch, thiếu đi nét tinh tế từng được ca ngợi trên iPhone 5. Quyết định kéo dài màn hình theo kiểu… chìa ra một khe cho loa và camera trên iPhone X chắc chắn sẽ gây tranh cãi. Chúng xấu xí đến mức ai nhìn vào cũng phải tự hỏi, liệu Apple có quá cố gắng để tránh cái “dớp” copy Samsung hay không.
Nhưng dù Apple có cố gắng đến mấy thì sự thật vẫn là Samsung đã tiên phong cho tiêu chuẩn 2:1 trên điện thoại. Qua nhiều năm, gã khổng lồ Hàn Quốc đã đơn độc nhận lấy trọng trách cách mạng hóa kênh giao tiếp duy nhất giữa người dùng và điện thoại của họ: màn hình cảm ứng. Bất kể là iPhone X có bán được bao nhiêu triệu máy đi chăng nữa, danh hiệu chiếc điện thoại đột phá của năm vẫn nên thuộc về Galaxy S8 và Galaxy Note8 chứ không phải là chiếc smartphone mác Táo vốn tràn đầy cảm hứng từ… Samsung.
Theo Genk