Bằng cách sử dụng chính năng lượng Mặt trời và năng lượng gió, những hòn đảo nhân tạo khổng lồ này có thể biến CO2 trở thành nhiên liệu tái tạo.
Hiện nay, có rất nhiều giải pháp được đưa ra triển khai trên khắp thế giới với mục tiêu làm chậm quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu và hiệu ứng nhà kính. Mới đây, các nhà khoa học Na Uy và Thụy Sĩ đề xuất một giải pháp mang tầm vĩ mô, xây dựng các đảo nhân tạo khổng lồ để biến nước biển thành nhiên liệu, có thể giải quyết được 2 vấn đề cùng một lúc: làm chậm quá trình biến đổi khí hậu và khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Theo tính toán, cứ 70 module nổi sẽ tạo nên một “đảo methanol Mặt trời” rộng khoảng 1km2
Đề xuất đầy tham vọng
Biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu và cuộc khủng hoảng năng lượng do nguồn nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, đó là những mối lo lớn nhất của nhân loại hiện nay. Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học Na Uy và Thụy Sĩ cho biết, giải pháp của họ có thể mang lại lợi ích rất lớn khi vừa làm giảm được lượng khí CO2 phát thải ra môi trường và hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngày càng gây ô nhiễm.
Nhà nghiên cứu Andreas Borgschulte cho biết, ý tưởng về các “đảo Mặt trời” được hình thành từ khi Chính phủ Na Uy yêu cầu di chuyển các trang trại nuôi cá lồng ra xa ngoài biển hơn. Do đó, các trang trại này cần phải có điện năng để sử dụng nên buộc phải tìm ra giải pháp “biến nước biển thành nhiên liệu sạch” rồi sau đó cũng cần phải lưu trữ nguồn nhiên liệu còn dư thừa.
“Chúng ta cần giảm thiểu tối đa, thậm chí cần dừng ngay việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và phát thải khí CO2, để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu và hiện trượng nóng lên toàn cầu”, Adreas Borgschule, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Tạo ra điện từ nước biển
Các nhà khoa học châu Âu đặt tên cho công trình nghiên cứu của mình là “Đảo methanol Mặt trời”. Trên bề mặt những đảo nhân tạo này sẽ được phủ đầy các thiết bị tạo ra nguồn điện từ năng lượng Mặt trời và năng lượng gió, có thể giúp nó vận hành hệ thống sản xuất ra nhiên liệu mathanol từ CO2 và hydro tách ra từ nước biển. Theo tính toán, cứ 70 module nổi (mỗi module có kích cỡ tương đương một nhà bè nuôi cá) sẽ tạo nên một “đảo methanol Mặt trời” rộng khoảng 1km2.
Tuy nhiên, có một số yêu cầu rất khắt khe là các đảo này phải được xây dựng ở những nơi có điều kiện phù hợp như chiều cao ngọn sóng không được cao quá 7m, ít bão, độ sâu nước khoảng 600m và các đảo phải được neo đậu đúng vị trí và đúng cách.
Nhóm nghiên cứu khẳng định rằng, nguồn nước duy nhất đối với “đảo methanol Mặt trời” chính là nước biển và tách CO2 từ nước biển dễ hơn so với không khí vì nồng độ CO2 hòa tan trong nước biển cao gấp hơn khoảng 125 lần so với không khí. Để thực hiện việc khai thác nguồn năng lượng tái tạo mới này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một thiết bị nguyên mẫu để tách các thành phần của nước biển. Cuối cùng, hydro và CO2 được kết hợp lại với nhau để sản xuất ra methanol với các chất xúc tác đặc biệt cùng việc xử lý nhiệt.
Lượng nhiên liệu methanol tạo ra sẽ được lưu trữ trong các bồn chứa nằm ở vị trí mà tàu thuyền có thể dễ dàng lấy và vận chuyển vào đất liền để sử dụng. Được biết, toàn bộ quá trình vận hành của những “đảo methanol Mặt trời” sẽ được tối ưu hóa để không làm phát thải CO2 ra môi trường.
Theo đại diện của nhóm nghiên cứu, những thách thức lớn nhất để biến ý tưởng này trở thành một bản thiết kế có thể áp dụng, đang gặp phải hiện nay là: “Các tiểu phần của hòn đảo cần như thế nào để có thể dễ dàng lắp đặt ở quy mô lớn giữa đại dương”; “Làm sao để vệ sinh và bảo trì các thiết bị trên hòn đảo này một cách hiệu quả, kinh tế?”.
Một nhận định rất khả quan khi các nhà nghiên cứu ước tính rằng, chúng ta sẽ cần phải tạo ra khoảng 170.000 hệ thống “đảo Mặt trời” này để có thể sản xuất đủ nhu cầu về methanol “xanh” nhằm thay thế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như ngày nay.
Theo anninhthudo.vn