Thu nhập từ vỉa hè rất cao là lý do khiến việc thuyết phục người kinh doanh trên vỉa hè chuyển đổi nghề nghiệp trở nên vô cùng khó khăn.
Lợi nhuận cực lớn từ kinh doanh trên vỉa hè
Thông tin trên được bà Lưu Lê Bích Phượng – Chủ tịch phường Nguyễn Thái Bình cho biết trong buổi làm việc với Quận ủy quận 1 về tình hình lập lại trật tự vỉa hè.
Trình bày trong cuộc gặp có cả Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, bà Phượng thừa nhận rằng “việc tuyên truyền người dân chuyển đổi ngành nghề hết sức khó khăn”, mà lý do chính là vì công việc kinh doanh trên vỉa hè đang mang lại thu nhập rất cao.
Một quán hủ tiếu ven đường có khá đông khách tại TP.HCM. |
“Trong quá trình tiếp dân tôi đã hệ thống lại, nhiều khi chỉ bán có 3 đến 4 tiếng nhưng trung bình 1 tháng lời 9 – 15 triệu. Một xe bánh mì bán từ 6h – 9h lời 9 triệu đồng/tháng. Một bàn bán hủ tiếu từ 18h đến 23h lời từ 1,5tr – 1,8tr, (tính ra mỗi tháng chủ quán lãi 40-50 triệu đồng) còn các xe nước mía thì từ 200.000 – 500.000đ/ngày” – bà Phượng cho hay.
Cũng theo bà Chủ tịch phường, việc thuyết phục người dân chuyển đổi nghề còn khó khăn hơn nữa vì những ngành nghề mà chính quyền tư vấn không đa dạng, chủ yếu tập trung trong những việc như nữ công gia chánh nên không thu hút được người dân.
“Trong thời gian học nghề chúng ta cũng không có chính sách, thường học từ 3 – 6 tháng, nhưng rồi sau đó làm ở đâu, lương bao nhiêu chúng ta cũng không chỉ ra được” – bà nói.
Thậm chí bà Phượng còn cho biết rằng đã có trường hợp vận động được người dân chuyển đổi ngành nghề nhưng sau đó phải bỏ.
“Khi hỏi thì người dân nói lí do là chỗ làm quy định thời gian làm không hợp lý, còn chỗ sử dụng lao động thì nói rằng do dân ỷ lại vào việc được phường giới thiệu nên rất lười, đang làm thì chạy đi việc riêng nên không đảm bảo giờ công” – bà Chủ tịch phường cho hay.
Theo bà, để giải quyết tình trạng trên TP cần chỉ đạo các doanh nghiệp (thuộc TP) có chính sách giải quyết việc làm đối với các trường hợp buôn bán trên vỉa hè. Đồng thời có chính sách hỗ trợ đối với những người chuyển nghề, vì “dù có miễn phí học mà khoảng thời gian họ học chúng ta không có chính sách hỗ trợ thì họ cũng sẽ không học”.
Chia giờ bán hàng
Theo số liệu thống kê bà Lưu Lê Bích Phượng công bố, hiện phường Nguyễn Thái Bình có khoảng 20.000 dân, trong đó có 366 hộ đang sử dụng vỉa hè để làm nơi buôn bán. Phường cũng có 17 tuyến đường nhưng hầu hết có vỉa hè dưới 5m.
Vì lí do này nên phường không thể bố trí, sắp xếp các hộ bán rong vào một nơi. Do đó cách làm của phường là bố trí tại chỗ, nhưng tinh gọn hơn, ít điểm bán hơn.
“Trước 1 xe rộng 1,2m thì bây giờ làm 0,8m, bàn để sát vào tường. Chúng tôi cũng yêu cầu người dân bán theo giờ và để họ tự thỏa thuận. Chị bán buổi sáng, em bán buổi chiều, anh bán buổi tối chứ không có chuyện nguyên tuyến đường đó 3 người đều bán. Trước đây có tình trạng các hộ cãi nhau khiến các tổ hòa giải làm việc liên tục, nhưng từ khi sắp xếp lại như trên thì không có cãi nhau nữa” – bà Phượng cho hay.
Đề cập đến việc lập lại trật tự đô thị nói chung, bà Phượng nhận định rằng: “Phường đã đi đúng hướng khi chọn giải pháp an sinh xã hội kết hợp với vận động sau đó mới xử lý. Chúng tôi xử lý mềm mỏng nhưng cương quyết.”
Theo bà, tất cả các lãnh đạo phường đều phải xuống cơ sở để xem đặc điểm từng khu và có giải pháp cho phù hợp với từng nơi.
“Khu phố 3 đông người Hoa thì phải làm gì? Khu phố 1 ít dân nhưng nhiều ngân hàng thì cần phải ra sao… Không riêng Bí thư, Chủ tịch mà các vị trí phó đều phải có lịch làm việc dưới cơ sở”.
Kết quả của sự nỗ lực trên, qua 5 tháng có 892 cơ sở tự nguyện tháo dỡ vật cản trên vỉa hè (trên 90%). Phường cũng xử phạt 1.300 trường hợp với tổng số tiền hơn 600 triệu. Ngoài ra phường đã trực tiếp tiếp xúc 149 trường hợp có hộ khẩu tại phường để lắng nghe nguyện vọng và định hướng chuyển đổi ngành nghề.