Ngày 22/2/2016, Zalo chính thức có 70 triệu người dùng. Với cột mốc này, Zalo tiếp tục cho thấy đà tăng trưởng ổn định khi ứng dụng chỉ mất 10 tháng để có thêm 20 triệu người dùng kể từ khi đạt 50 triệu thành viên vào tháng 4/2016.Sau cột mốc này, mục tiêu quan trọng của Zalo vẫn là tiếp tục tối ưu hóa sản phẩm để phục vụ nhu cầu của người dùng Việt. Hòa vào xu hướng chung của thế giới, Zalo tập trung hỗ trợ việc trao đổi hình ảnh, video trong quá trình liên lạc giữa người dùng với nhau. Từ khoảng cuối năm 2016 đến nay, Zalo đã và đang giới thiệu các tính năng liên quan đến camera như: chia sẻ hình ảnh, video hiển thị trong 24h, tin nhắn ảnh tự huỷ, chụp ảnh, quay video clip đính kèm hiệu ứng, phát trực tiếp video trong nhóm…Giao diện của sản phẩm cũng được thay đổi rõ rệt và ưu tiên phục vụ xu hướng này khi biểu tượng “camera” được đặt ở vị trí dễ nhìn thấy và thuận tiện trên khung cửa sổ nhắn tin. Khu vực hình ảnh, video, giọng nói, check-in được phân chia rõ rệt. Bên cạnh đó, dù là chụp ảnh, quay video thông thường hay sử dụng tính năng “Khoảnh khắc” trên Zalo, người dùng đều có thể biến tấu tin nhắn ảnh/video của mình một cách sáng tạo hơn thông qua việc chèn chữ màu sắc, sticker, kho hình nền và phụ kiện sống động. Các tiện ích đi kèm không chỉ gia tăng trải nghiệm mà còn xoá bỏ sự nhàm chán trong các cuộc hội thoại nhắn tin thông thường.Không chỉ phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc, Zalo còn được người dùng ưa thích bởi họ có thể tìm thấy nhiều dịch vụ tiện ích cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày như mua sắm, đi lại, ăn uống, sức khoẻ, điện nước trên nền tảng này. Gần đây nhất, hàng chục ngàn bà nội trợ đã được hưởng lợi từ chương trình “Tết Việt, nhận quà khủng” do siêu thị Co.opmart triển khai trên Zalo.Ngoài ra, Zalo hiện được ứng dụng trong hoạt động của nhiều cơ quan nhà nước và phát huy hiệu quả trong việc tương tác với người dân. Tiếp nối thành công của Tổng công ty Điện lực TP.HCM với dịch vụ tra cứu và thanh toán tiền điện, Bộ Y Tế với sổ tiêm chủng và cung cấp thông tin cải thiện sức khoẻ, Tổng Đài hành chính Công Đà Nẵng mở rộng việc sử dụng Zalo sang tra cứu vệ sinh an toàn thực phẩm, hay Đồng Nai áp dụng Zalo để phục vụ cho công tác cải cách quản lý thủ tục hành chính của tỉnh, bắt đầu từ cuối năm 2016.Song song với việc phục vụ tập khách hàng trong nước, Zalo đã phát hành phiên bản thử nghiệm tại thị trường Myanmar vào tháng 6/2016 và thu hút hơn 2 triệu người sử dụng tại quốc gia này chỉ trong vòng 4 tháng.Tại sự kiện Internet Day 2016 do Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) tổ chức với chủ đề “Sự đóng góp của nội dung số cho nền kinh tế Internet” diễn ra ngày 21/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhận định, ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp vai trò ngày càng quan trọng trong cơ cấu ngành CNTT. Trong giai đoạn 2008-2014, ngành Công nghiệp nội dung số tăng trưởng 20%/năm, thu hút hơn 4.500 doanh nghiệp tham gia sản xuất, tạo điều kiện cho hơn 70.000 lao động.Đến nay, Việt Nam đã có một ngành công nghiệp nội dung số phong phú, trong đó có sản phẩm giáo dục, giải trí trực tuyến, ứng dụng di động… và đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong khu vực. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, chiếm tỷ trọng chưa cao trong cơ cấu thu nhập toàn ngành CNTT; số lượng công ty nhiều nhưng đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo Thứ trưởng, thị trường Việt Nam còn khá nhỏ bé so với khu vực và thế giới nên những doanh nghiệp Việt Nam cần liên tục đổi mới, không ngừng sáng tạo để bước ra nước ngoài như cách Viettel và Zalo đã thực hiện và đạt được 2 triệu người dùng ở Myanmar.theo itcnews.vn